Theo dõi trên

Quy hoạch phát triển tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050:

16/04/2021, 09:04 - Lượt đọc: 948

Phải phù hợp và có tính kế thừa

BT- Bình Thuận đang tổ chức lập Quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch năm 2017. Đây là công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp quản lý và sử dụng trong hoạch định cơ chế, chính sách. Đây cũng là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn và hướng tới phát triển nhanh, bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường, đảm bảo phát triển bền vững trong dài hạn.

Phải đảm bảo tính phù hợp, đồng bộ

Để có cơ sở lập Quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh vừa tổ chức Hội thảo khoa học về “Tư duy, mô hình phát triển tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Tại hội thảo các chuyên gia đầu ngành về xây dựng, các nhà khoa học đã chia sẻ các kinh nghiệm, cũng như góp ý một số nội dung quan trọng về công tác quy hoạch tỉnh. Hầu hết các ý kiến đều đánh giá đầy đủ vai trò, vị trí, kinh tế của tỉnh, thế mạnh cũng như tiềm năng, cơ hội của Bình Thuận. Từ đó, phác thảo những ý tưởng ban đầu về tư duy phát triển, làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, tham khảo, xác định mô hình phát triển tỉnh Bình Thuận trong tương lai với tầm nhìn dài hạn. Đồng thời, đây sẽ là tiền đề cho việc thiết kế quy hoạch phát triển chung và cụ thể cho từng ngành lĩnh vực trong Quy hoạch tỉnh Bình Thuận giai đoạn tới.

Hội thảo khoa học về tư duy, mô hình phát triển tỉnh Bình Thuận thu hút khá đông các nhà khoa học, chuyên gia. Ảnh: Đ.Hòa

Theo Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam, Lập Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 của cả nước; chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững… đảm bảo dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định và có thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Đồng thời, khi lập Quy hoạch tỉnh cần xem xét đến các mục tiêu lập quy hoạch nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để xây dựng Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển dịch vụ, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển bền vững về kinh tế, kết nối vùng TP. Hồ Chí Minh và duyên hải Nam Trung bộ. Bên cạnh đó, xây dựng các chỉ tiêu chủ yếu theo chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. 

Viễn cảnh Bình Thuận năm 2050

Bình Thuận ở thời điểm hiện nay, theo một số chỉ tiêu, đang ở nửa trên trong xếp hạng “trình độ phát triển” các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hướng tới mục tiêu “Việt Nam trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ”, với tư duy đột phá, phát huy tốt các tiềm năng và lợi thế, có thể kỳ vọng Bình Thuận sẽ đạt tới một tỉnh phát triển tối thiểu có mức thu nhập bình quân trên 18.000 USD; có một “hệ sinh thái phát triển” tốt. Gần 100% dân cư Bình Thuận dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng. Người dân Bình Thuận sẽ tiếp cận với các cơ hội phát triển, “không ai bị bỏ lại phía sau”. Các giá trị văn hóa (đa sắc tộc - 34 sắc tộc) được bảo tồn, phát huy và khai thác kinh tế bền vững. Tỷ lệ đô thị hóa đạt tới gần 80% với hệ thống các đô thị thông minh. Đặc biệt, nền kinh tế dựa trên trụ cột chính là dịch vụ (du lịch, thương mại và tài chính…); khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, được tổ chức theo chuỗi sản xuất và hình thành các cụm liên kết ngành một cách hiệu quả và bền vững. Kinh tế Bình Thuận lúc đó có thể nói là một nền kinh tế xanh, ít chất thải. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh, hiện đại, từ sân bay, cảng biển hiện đại, đường cao tốc kết nối thuận lợi với các tỉnh lân cận, đường sắt tốc độ cao kết nối TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Ninh Thuận. Hệ thống giao thông đô thị được tổ chức tốt với các loại hình kết nối thuận lợi với các đô thị trong tỉnh…

Để có được viễn cảnh đó, tư duy, mô hình phát triển tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn tới 2030 được Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị tư vấn phác thảo sơ bộ với 6 quan điểm. Là tỉnh phát triển nhanh và bền vững chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ. Phát triển kinh tế trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, hướng tới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân. Ngoài ra, phát huy tối đa lợi thế của các địa phương. Áp dụng các nguyên tắc kinh tế thị trường để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp trong đó, phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, hình thành năng lực sản xuất mới gắn với các chuỗi giá trị/các cụm liên kết liên ngành. Chủ động gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

    
    Phó Chủ   tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, các ý kiến đóng góp của các   chuyên gia tại hội thảo đã gợi mở nhiều lối đi mới cho quá trình phát   triển kinh tế - xã hội Bình Thuận trong tương lai. Là cơ sở để nghiên   cứu, đưa ra những tư duy phát triển mới, mô hình định hướng phát triển   mới cho Bình Thuận trong triển vọng đến năm 2030, cũng như tầm nhìn đến   năm 2050…

Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy hoạch phát triển tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050: