Theo dõi trên

Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện: Tránh tình trạng “lệch pha”

11/08/2020, 08:58

BT- Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là căn cứ pháp lý để cho UBND cấp huyện triển khai lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm và thực hiện các thủ tục về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính vì thế, những giải pháp nhằm tăng cường công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đạt hiệu quả, chất lượng luôn được các địa phương và Sở Tài nguyên - Môi trường Bình Thuận chú trọng.

                
      
   Đức Linh đang đẩy nhanh tốc độ triển khai    lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030.

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, hiện nay Bộ Tài nguyên - Môi trường chưa phân bổ chỉ tiêu cũng như văn bản hướng dẫn việc thực hiện lập quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh nên chưa xác định được thời gian phê duyệt. Tuy nhiên để chủ động trong việc này, UBND tỉnh đã có Công văn số 668 chỉ đạo thực hiện việc lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của cấp huyện. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành phối hợp, cung cấp thông tin và giao trách nhiệm cho UBND cấp huyện tổ chức lập và trình phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của cấp huyện theo quy định. Song song đó, Sở Tài nguyên - Môi trường cũng đã có văn bản hướng dẫn và yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường khẩn trương phê duyệt dự toán kinh phí theo thẩm quyền và lựa chọn đơn vị tư vấn trước ngày 15/9/2020 để tổ chức việc lập kế hoạch sử dụng đất năm 2021 và quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 bảo đảm tiến độ.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Trần Ngọc Tân cho biết, theo quy định hiện nay thì kỳ quy hoạch sử dụng đất của cấp huyện là 10 năm và tầm nhìn là từ 20 - 30 năm; cụ thể trong đợt này thì UBND cấp huyện sẽ thực hiện việc lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2050. Đến thời điểm này, hầu hết các địa phương đều thuê đơn vị tư vấn để thực hiện quy hoạch sử dụng đất. Đồng thời cùng với phòng, ban chuyên môn rà soát lại những dự án được quy hoạch trong thời gian qua để có thể cập nhật tiếp hoặc loại bỏ nếu như không còn khả thi.

Ông Huỳnh Văn Điển – Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong cho biết: Hiện nay địa phương đã triển khai lập hồ sơ về việc quy hoạch sử dụng đất để trình UBND tỉnh; so với những giai đoạn trước, thì việc quy hoạch lần này sẽ có những biến động. Tuy nhiên, việc biến động nhiều hay ít phải chờ sau khi thu thập số liệu xong, tùy theo từng trường hợp, chúng tôi sẽ có những giải pháp cụ thể về vấn đề quy hoạch sử dụng đất. “Chẳng hạn như việc những dự án du lịch đã được giao đất nhiều năm nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện để phát triển du lịch do chủ đầu tư không đủ năng lực thì huyện sẽ đề nghị UBND tỉnh thu hồi để chuyển đổi cho những chủ đầu tư khác đủ năng lực. Chứ không phải vì lý do này mà huyện sẽ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của khu vực này trong thời gian tới”, ông Điển cho biết thêm.

Huyện Đức Linh đến thời điểm này cũng đang bắt đầu triển khai quy hoạch sử dụng đất cho giai đoạn tới. Trong đó nhu cầu về đất công nghiệp của huyện sẽ rất lớn. “Trong định hướng phát triển kinh tế, chúng tôi chú trọng phát triển công nghiệp, tập trung ở 2 xã Đông Hà và Tân Hà. Vì vậy, việc tính toán, quy hoạch các loại đất cho giai đoạn sau là rất cần thiết. Theo đó, để tránh quy hoạch chồng chéo, chúng tôi sẽ thận trọng trong các bước lập quy hoạch sử dụng đất, sao cho phù hợp nhất”, ông Nguyễn Văn Húy – Chủ tịch UBND huyện Đức Linh chia sẻ thêm.

Cũng theo Sở Tài nguyên - Môi trường, trên thực tế đã có không ít tình trạng quy hoạch sử dụng đất ở cấp huyện bị chồng chéo, bị “lệch pha”. Nguyên nhân của thực trạng này là do hệ thống chính sách quy định về quy hoạch không đồng bộ, tức là mỗi bộ, ngành có quy định và hướng dẫn riêng việc lập quy hoạch theo chức năng nhiệm vụ; sự phối hợp giữa các sở, ngành chưa chặt chẽ, đồng bộ trong quá trình thực hiện quy hoạch sử dụng đất. Mặt khác, việc triển khai công tác lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện chưa sâu sát, chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, chạy theo xu hướng thị trường.

Nhấn mạnh về những giải pháp để tránh tình trạng trên, ông Trần Ngọc Tân chia sẻ: “Các địa phương cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lýnhà nước về đất đai; hạn chế tình trạng quản lý, sử dụng đất sai quy hoạch, kế hoạch. Thực hiện một cách kịp thời và đồng bộ với các quy hoạch chuyên ngành:khoáng sản, rừng, xây dựng, điện... để quy hoạch sử dụng đất sát với thực tiễn, có tính khả thi cao, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy các nguồn lực và thế mạnh kêu gọi đầu tư nhằm phát huy các thế mạnh của địa phương mình”.

Thanh Nhàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện: Tránh tình trạng “lệch pha”