Theo dõi trên

Rừng khộp thêm lá

15/10/2018, 08:40

BT- Nhờ sự hỗ trợ của Chương trình UN-REDD Bình Thuận nên diện tích, chất lượng rừng khộp tại Ban QLRPH Sông Mao đã phục hồi khá tốt, không gian văn hóa của người bản địa được nâng cao.   

                
      
   Sự hỗ trợ từ Ban Quản lý chương trình UN-REDD Bình    Thuận đang giúp những cánh rừng khộp hồi sinh.

Dưới tán rừng già

Suốt nhiều thế kỷ qua, rừng khộp đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân bản địa. Đây là không gian sống của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số như: Rắc lây, K’ho… Rừng cung cấp cho người dân từ thú rừng, gỗ củi, cây thuốc và các sản phẩm khác. Trên cơ sở đó nền văn hóa rừng đã hình thành và phát triển theo thời gian. Với người Raglai ở xã Phan Dũng (Tuy Phong) thì lúa mẹ là vật báu của thần linh ban tặng để nuôi sống dân làng. Lúa mẹ là giống lúa nguyên chủng, được đồng bào Raglai lưu giữ từ đời này sang đời khác. Hạt lúa mẹ to hơn hạt lúa trồng trên ruộng ở miền xuôi, thời gian gieo hạt đến kỳ thu hoạch hơn nửa năm. Lúa mẹ và những sản vật dưới tán rừng khộp đã giúp người dân an cư lạc nghiệp. Rồi Tết Đầu lúa của đồng bào K’ho ở các xã vùng cao Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến, Phan Điền (Bắc Bình) cũng là một trong những phong tục được hình thành dưới tán rừng khộp. Với người K’ho thì cứ 17 năm, người dân sẽ tổ chức lễ dâng trâu tế thần một lần để tạ ơn thần mặt trời, thần lúa mẹ, tổ tiên… Ông K’ Văn Thiên - già làng xã Đông Giang nói: “Xã Đông Giang có 3 thôn, 9 xóm, mỗi xóm đều có thờ các vị thần. Đến lệ 17 năm thì người K’ho sẽ cùng nhau về tập trung đông đủ, tổ chức đại lễ tại sân làng hoặc bìa rừng”. Bà K’ Thị Hôn - trưởng tộc người K’ho cho biết thêm: “Là phận con cháu phải biết ơn ông bà, tổ tiên, đến các vị thần, nên cứ 17 năm là người K’ho phải làm lễ tạ ơn, sau đó cũng là cầu bình an, may mắn đến với họ tộc, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”.

Xã hội hiện nay có nhiều thay đổi nhưng rừng khộp trong tâm trí người K’ho, Raglai… vẫn như xưa. Hằng ngày họ vẫn chăn thả gia súc, kiếm cá, trồng cây dưới tán rừng già. 

Chung tay vì rừng khộp

Vai trò của rừng khộp với đồng bào là không thể thay thế, vì vậy Ban Quản lý chương trình UN-REDD Bình Thuận đã chọn Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Mao làm nơi thực hiện thí điểm mô hình làm giàu rừng khộp. Khu vực khoanh nuôi làm giàu rừng có trạng thái rừng DT2 đất có cây gỗ tái sinh núi đất, rừng rụng lá thuộc đối tượng rừng nghèo, mật độ tầng cây gỗ trung bình. Ở đây có các loại cây đặc trưng của rừng khộp như: cẩm liên, căm xe, cà gằng, cà chí, cóc, bồ hòn, gáo, tai nghé, dong đồng, ngành ngạnh... với khả năng tái sinh tự nhiên trung bình.

Trước khi quyết định lựa chọn loại cây để trồng trong khu vực mô hình, Ban Quản lý Chương trình UN-REDD Bình Thuận và Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Mao đã tổ chức nhiều buổi họp, tham vấn ý kiến của người dân địa phương. Từ đó, Ban Quản lý chương trình UN-REDD Bình Thuận thống nhất chọn cây giáng hương để thực hiện thí điểm trồng bổ sung vào vùng trống trên diện tích thực hiện mô hình. Cây giáng hương là cây gỗ lớn, có giá trị kinh tế cao, sinh trưởng nhanh và có khả năng phòng hộ tốt.  Mô hình làm giàu rừng khộp tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Mao có diện tích 10 ha thuộc tiểu khu 114. Tại khu vực này đã thực hiện việc trồng xen cây giáng hương ở những diện tích rừng thưa. Mật độ trồng khoảng 200 cây/ha. Sau khi trồng 2 - 3 tuần, Ban Quản lý chương trình UN-REDD Bình Thuận tiến hành đếm những cây bị chết, cây bị tổn thương như gãy, bị côn trùng cắn, cây khô ngọn do héo để trồng thay thế, nhằm đảm bảo tỷ lệ sống và mật độ của cây… Nhờ áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật mà cây trồng trong mô hình làm giàu rừng khộp phát triển rất tốt. Tháng 9/2017, đã tổ chức đợt kiểm tra mô hình làm giàu rừng khộp ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Mao. Kết quả cho thấy tỷ lệ cây sống ở đây đạt gần 100%. Sau 2 năm, đến nay tỷ lệ cây sống trong dự án đạt 90%. Ông Hồ Thiện Đang, Phó Giám đốc Ban Quản lý Chương trình UN-REDD Bình Thuận cho biết: “Việc thực hiện làm giàu rừng khộp tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Mao là một mô hình còn khá mới. Đến thời điểm hiện tại, số cây trồng trong mô hình đang phát triển tốt. Trong tương lai khu vực này hệ sinh thái rừng sẽ đa dạng hơn…”.

 Bình Thuận hiện có hơn 1.000 ha rừng khộp nghèo kiệt cần phục hồi bằng các loài cây bản địa. Nếu có thêm nhiều dự án như Ban Quản lý chương trình UN-REDD Bình Thuận đang thực hiện thì tương lai những cánh rừng khộp ngày càng xanh hơn.

NguyỄn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rừng khộp thêm lá