Theo dõi trên

Rừng “sạch”

22/01/2017, 10:42 - Lượt đọc: 44

BT-  Từng được nghe và làm quen những cụm từ rau sạch, thanh long VietGAP… chứ ít khi nghe đến hai từ “rừng sạch”. Nhưng đây lại chính là tên một mô hình mà Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận đang thực hiện...

 Vào rừng

Đã lâu lắm tôi mới có dịp đi rừng, lần đầu tiên bước vào khu rừng được mệnh danh rừng “sạch”, làm sao phân biệt rừng “sạch” và rừng bình thường? Dẫn chúng tôi đi, anh Nhân, anh Hà đều là cán bộ lâu năm của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận giải thích: Rừng “sạch” ở đây có nghĩa là phương án quản lý rừng bền vững. Mục đích nhằm quản lý rừng theo cơ sở khoa học và thực tế, bảo đảm quản lý rừng bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường, đạt được các nguyên tắc về quản lý rừng bền vững để quốc tế và tiến tới được cấp chứng chỉ rừng”.

Bước vào lâm phận do Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam (trực thuộc công ty) quản lý, chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khi được tận mắt ngắm nhìn trùng trùng điệp điệp cây rừng xanh ngắt một màu. Vừa trải qua mùa mưa, nên những khoảng rừng, từ những cây con mới trồng đến những cây cao to  gần cho khai thác, đều mang một màu xanh mướt, đầy sức sống. Rừng trồng ở đây chủ yếu là keo lai và bạch đàn. Xe chuyên dụng của công ty đưa chúng tôi men theo con đường rừng gồ ghề, nhỏ hẹp tiến sâu vào lâm phận. Anh Cao Văn Nhân - Phó Giám đốc Xí nghiệp chỉ tay về phía xa giới thiệu: Toàn bộ rừng trồng đều sử dụng cây con được tuyển chọn theo quy định kỹ thuật của Bộ NN & PTNT từ các vườn ươm của công ty hoặc từ các vườn ươm có giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng. Trong tương lai công ty sẽ trồng cây con theo phương pháp cấy mô, và cũng là một trong những nội dung trong dự án trồng rừng “sạch”.

Xe dừng tại Trạm Lâm nghiệp Đường Sắt (xã Hàm Thạnh, Hàm Thuận Nam). Từ đây, chúng tôi đi bộ vào sâu trong khu rừng trồng chuẩn bị cho thu hoạch. Bạt ngàn phi lao thẳng tắp, cao vút. Hít bầu không khí trong lành giữa rừng xanh, tôi còn được nghe tiếng gà rừng gáy lanh lảnh đâu đó. Một cán bộ lâm nghiệp đi cùng đoàn nói: “Ở khu này còn có cả lợn rừng về sinh sống nữa”. Như lời giải thích của anh Hà thì quản lý rừng bền vững, cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ, bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm.

 Chờ chứng chỉ… rừng

Theo tìm hiểu, khu rừng nơi chúng tôi đến được công ty trồng từ năm 1997 và hằng năm tu bổ, trồng lại và cho khai thác liên tục. Tuy nhiên, do từ trước đến nay công ty chưa nhận được chứng chỉ FSC nên tình hình tiêu thụ sản phẩm gỗ của đơn vị phần lớn ở trong nước, giá cả không ổn định, thị trường bấp bênh. Xuất phát lý do đó, công ty bắt đầu thực hiện mô hình rừng “sạch” vào năm 2015, với mong muốn gia tăng giá trị gỗ khai thác.

                
Khu rừng “sạch” tại Hàm Thuận Nam. Ảnh: K.H

Nắng đã treo đỉnh đầu. Chúng tôi rảo bước dưới những tán cây bạch đàn mát rượi. Thấy chúng tôi chăm chú nhìn những hàng cây thẳng tắp đang được một nhóm công nhân chăm sóc, cắt cỏ, một cán bộ của công ty giải thích: Đây là một trong những sự khác biệt giữa rừng trồng bình thường và rừng “sạch”. Theo định kỳ, rừng trồng sẽ được tưới phân sinh học, dọn cỏ sạch sẽ. Trước khi khai thác, công ty phải báo cho đơn vị cấp chứng chỉ FSC để theo dõi quá trình sản xuất của mô hình. Đây chính là cơ sở, căn cứ khoa học để công ty đề nghị đánh giá cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Hội đồng quản trị rừng thế giới FSC. Theo đại diện công ty, hiện nay công ty đạt khoảng 80% các chỉ tiêu và dự kiến đầu năm 2017 đơn vị sẽ được cấp chứng chỉ rừng. “Khi đã có chứng chỉ FSC, chúng tôi sẽ áp dụng công nghệ khai thác, chế biến gỗ tiên tiến để tận dụng lâm sản với giá thành thấp, chất lượng cao, sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Mặt khác cố gắng phát huy tiềm năng nhằm tăng chuỗi giá trị gỗ rừng trồng có FSC lên 15 - 20%”- anh Nguyễn Văn Hà, đại diện công ty cho hay.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận cho biết: Mô hình rừng “sạch” nhằm đa dạng hóa sản phẩm, vừa kinh doanh trồng rừng vừa xúc tiến đầu tư phát triển ngành chế biến. Đây cũng là định hướng cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong thời gian tới. Đặc biệt mô hình này còn giúp bảo vệ và phục hồi môi trường thông qua các biện pháp cải tạo đất, kỹ thuật khai thác nhằm giảm thiểu tác động, góp phần nâng cao độ che phủ rừng trên địa bàn, bảo vệ tính đa dạng sinh học, các loài động vật, thực vật quý hiếm.

Xuân đang về. Trong khu rừng lúc này, tiếng chim hót líu lo vang khắp một vùng trời. Tiếng gió reo vui từng kẽ lá mang theo cảm giác dễ chịu vô cùng. “Lạc” giữa khu rừng “sạch”, tôi càng thêm yêu rừng, yêu mùa cây cối nảy lộc…

    
    FSC – Forest Stewardship Council (Hội đồng quản lý rừng) là tổ chức phi   chính phủ được thành lập năm 1993 tại Canada. Tổ chức FSC hoạt động một   cách độc lập, phi lợi nhuận. Tổng diện tích Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp   Bình Thuận hiện nay được giao quản lý 18.145,96 ha. Trong đó, mô hình   rừng “sạch” có trên 5.000 ha, gồm Hàm Thuận Nam trên 2.000 ha và Hàm   Tân  trên 3.000 ha.

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rừng “sạch”