Theo dõi trên

Sản phẩm nông lâm thủy sản: Giảm sơ chế, tăng chế biến sâu

27/08/2018, 08:34

BT- Bình Thuận đang thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cán mốc 1 tỷ USD trong hơn mười năm tới, riêng ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản sẽ tập trung giảm sơ chế và tăng chế biến sâu…

         
   

      

      Ngành công nghiệp chế    biến nông lâm thủy sản của Bình Thuận cần giảm  sơ chế, tăng chế    biến sâu.

Lĩnh vực tiềm năng

Trong giai đoạn 2008 - 2018, toàn tỉnh có gần 1.690 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, gồm hơn 690 doanh nghiệp nông nghiệp, 560 doanh nghiệp lâm nghiệp và còn lại là doanh nghiệp thủy sản. Bên cạnh, địa phương cũng thu hút khoảng 730 dự án có vốn ngoài ngân sách đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (trong đó có gần 40 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng vốn 225.665 tỷ đồng và phần lớn hiện đã đi vào hoạt động.

Điều này cho thấy, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Bình Thuận có nhiều tiềm năng phát triển với đa dạng sản phẩm lợi thế như thanh long, cao su, hạt điều, đồ gỗ, hải sản đông lạnh - khô các loại… Hướng đến phục vụ xuất khẩu, hiện diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh đã mở rộng lên gần 27.800 ha, với gần 10.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Vào trung tuần tháng 8/2018, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định về phê duyệt Đề án thành lập vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Thuận có quy mô 2.155 ha tại huyện Bắc Bình. Các cây trồng chủ lực được bố trí tại vùng này ngoài dưa lưới, măng tây, nấm, hành, tỏi, ớt, khoai lang Nhật thì còn có một số cây ăn quả (nho, táo, thanh long) và cây dược liệu phục vụ công nghiệp chế biến như đinh lăng, sâm bố chính, lô hội, bạc hà, bụp giấm…

 Đến nay, sản xuất ngư nghiệp tại Bình Thuận vẫn tiếp tục được đầu tư phát triển với hàng ngàn tàu cá công suất lớn sẵn sàng khai thác xa bờ và hàng chục doanh nghiệp tham gia dịch vụ hậu cần. Đồng thời địa phương đã đầu tư, đưa vào sử dụng Cảng cá Phan Thiết, Cảng cá La Gi, Cảng cá Phan Rí Cửa và các khu tránh trú bão cho tàu thuyền của ngư dân ở một số địa phương có thế mạnh khai thác hải sản.

Tăng chế biến sâu

Đối với ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh cũng định hướng phát triển công nghiệp bảo quản sau thu hoạch, ưu tiên đẩy mạnh công nghiệp chế biến theo chiều sâu nhằm tăng sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Do vậy Bình Thuận sẽ tăng cường thu hút đầu tư mới, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng chế biến cũng như giá trị hàng hóa cho sản phẩm, góp phần giảm dần sơ chế hướng tới chế biến sâu đến sản phẩm cuối cùng. Trong đó tập trung vào thủy sản đông lạnh, thủy sản khô, hạt điều, rượu - nước giải khát từ quả thanh long, mủ trôm, tảo và sản phẩm chế biến từ gỗ, lâm sản hoặc thức ăn chăn nuôi…

Gần đây trên địa bàn Bình Thuận cũng ghi nhận một số cơ sở tham gia chế biến sản phẩm từ nguyên liệu nông sản lợi thế, trong đó có 4 cơ sở chế biến nhân hạt điều rang muối. Đặc biệt đã xuất hiện sản phẩm thanh long sấy khô của Công ty CP Rau quả sấy 12B và HTX Phan Long, thanh long sấy dẻo do Công ty TNHH Bé Dũng sản xuất. Hay như chế biến rượu vang thanh long (HTX Thanh long Hàm Đức), nước ép và rượu vang (Công ty TNHH Nước ép Phúc Hà), si rô thanh long (Cơ sở sản xuất thực phẩm Ngọc Uyên)… Song song với tiêu thụ nội địa, đến nay các doanh nghiệp thủy sản (có 13 doanh nghiệp lớn chế biến thủy sản khô) đã xuất khẩu sản phẩm đến hơn 70 quốc gia trên thế giới. Riêng ngành nghề chế biến nước mắm, dù thu hút gần 120 doanh nghiệp và cơ sở tham gia nhưng rất ít trường hợp xuất khẩu được sản phẩm sang thị trường khó tính châu Âu hay Hoa Kỳ.

Có thể thấy, hiện tại ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Bình Thuận chưa được đầu tư phát triển tương xứng tiềm năng và khá nhiều cơ sở tham gia có quy mô nhỏ. Vì vậy sản phẩm chế biến từ trái thanh long cũng mới giai đoạn thăm dò thị hiếu người tiêu dùng, còn chế biến thủy sản, hạt điều và sản phẩm nông sản khác vẫn tiếp tục nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Thêm vào đó, hướng nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm chế biến ở Bình Thuận chưa thực sự bền vững trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến khá phức tạp… Vấn đề đặt ra là không những chú trọng đầu tư công nghệ chế biến sâu, địa phương và doanh nghiệp còn phải tìm giải pháp gắn phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản với quy hoạch vùng nguyên liệu. Mặt khác cần khuyến khích các doanh nghiệp chế biến hợp tác đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, quan tâm nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới và tham gia vào chuỗi giá trị nhằm đảm bảo chỗ đứng trên thị trường cũng như tham gia xuất khẩu đem lại kim ngạch đáng kể cho địa phương.

 Đ.QUỐC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sản phẩm nông lâm thủy sản: Giảm sơ chế, tăng chế biến sâu