Theo dõi trên

Sản xuất năng lượng tái tạo phục vụ canh tác cây thanh long: Tận dụng lợi thế “kép” của Bình Thuận

26/09/2018, 08:38

BT- Bình Thuận được mệnh danh “vương quốc thanh long” vì có diện tích canh tác loại cây trồng này lớn nhất Việt Nam, đồng thời cũng là địa phương giàu tiềm năng nắng, gió. Ý tưởng sản xuất năng lượng tái tạo phục vụ canh tác cây thanh long vừa được giới thiệu và khởi động triển khai thí điểm tại địa bàn tỉnh cực Nam Trung bộ… 

                
Sử dụng năng lượng tái tạo phục vụ canh tác    cây thanh long (Ảnh minh họa từ Internet).

 Tận dụng lợi thế “kép”

Thanh long là cây trồng lợi thế của Bình Thuận, do vậy diện tích lẫn sản lượng không ngừng tăng, số liệu thống kê cho thấy trong 10 năm qua đã tăng hơn 300% về diện tích và tăng gần 380% về sản lượng. Với khoảng 27.500 ha, thanh long được trồng trên 10 huyện, thị, thành phố của tỉnh, còn theo quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 sẽ phát triển diện tích lên 30.000 ha.

Tuy nhiên, dù đã nỗ lực đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống lưới điện nhưng thực tế ngành điện vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu sản xuất thanh long trái vụ, đặc biệt ở những địa bàn có diện tích lớn như Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình… Do đó từ nhiều năm qua, địa phương và ngành điện buộc phải thực hiện tiết giảm 50% công suất phụ tải để tránh quá tải cũng như đảm bảo hệ thống điện của tỉnh vận hành an toàn. Từ thực trạng này, Viện Khoa học năng lượng - Trung tâm Phát triển và ứng dụng công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu giải pháp nhằm tận dụng lợi thế “kép” mà Bình Thuận đang sở hữu. Và mới đây vào cuối tháng 9/2018, đề tài thuộc “Chương trình 240” với mục tiêu xây dựng hệ thống chuẩn phát điện độc lập, lai ghép pin mặt trời và tuabin gió 3 pha hoạt động on/off-grid phục vụ canh tác cây thanh long đã giới thiệu tại Bình Thuận (địa phương được chọn triển khai thí điểm đầu tiên).

Theo TS. Đoàn Văn Bình - Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng, tên gọi “Chương trình 240” cũng xuất phát trên cơ sở giải pháp cấp điện cho phụ tải 1 ha thanh long với mức tiêu thụ 240kWh/ngày. Trong đó gồm 600 bóng đèn công suất 40W/bóng hoặc 1.200 bóng đèn công suất 20W/ bóng dùng thắp sáng với thời gian khoảng 10h/ngày đêm…  

Tháo gỡ “nút thắt”

Có thể nói, giải pháp sản xuất năng lượng tái tạo phục vụ canh tác cây thanh long từ hệ thống chuẩn phát điện độc lập, lai ghép pin mặt trời và tuabin gió 3 pha hoạt động on/off-grid là mô hình mới. Nhiều vấn đề đã được đặt ra như về cơ sở pháp lý, kỹ thuật, vốn vay ưu đãi, hiệu quả kinh tế mang lại cho chủ thể tham gia (doanh nghiệp, hộ nông dân, HTX)… Bởi theo tính toán, hệ thống cung cấp cho 1 ha trồng thanh long có công suất thiết kế 45 kWp như đề tài giới thiệu có vốn đầu tư khá lớn, khoảng gần 900 triệu đồng. Về nguồn vốn, đại diện một chi nhánh ngân hàng tại địa phương cho biết sẽ tạo điều kiện cho chủ thể vay đến 70% mức đầu tư với lãi suất 7,5%/ năm, thời gian trả nợ vay lên đến 10 năm. Trong khi đó đại diện Công ty CP Đầu tư Thương mại XNK Bắc Hồng Hà (Hà Nội) dự định đặt chi nhánh ở Bình Thuận và cam kết cung cấp sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý khi tham gia vào “Chương trình 240”.

Dù vậy để triển khai hiệu quả, mô hình cần tiếp tục nghiên cứu tháo gỡ một số “nút thắt” liên quan như diện tích áp mái đáp ứng hệ thống lai ghép pin mặt trời và tuabin gió quy mô hộ gia đình. Hoặc ý kiến của đại diện Công ty Điện lực Bình Thuận là canh tác thanh long trái vụ chủ yếu sử dụng điện vào ban đêm, còn sản xuất điện mặt trời vào ban ngày có khắc phục tình trạng thiếu điện chong đèn. Hay như trước giờ lưới điện chỉ cung cấp từ trên xuống cho hộ dân, nay thì ngược lại vì vậy cần tính toán kỹ trong đầu tư, nâng cấp để tránh quá tải khi có thêm nguồn điện đẩy lên hệ thống vào ban ngày…

Riêng các chủ thể tham gia thì đảm bảo hiệu quả đầu tư hệ thống chuẩn phát điện độc lập, lai ghép pin mặt trời và tuabin gió 3 pha hoạt động on/off-grid vẫn được quan tâm hàng đầu. Theo đề tài này, sản lượng điện năng phát ra đạt 75.000 kWh/năm, trong khi mức tiêu thụ điện năng sử dụng trên 1 ha sản xuất thanh long trái vụ chỉ 19.200 kWh/năm (thời gian chong đèn là 80 ngày). Như vậy sau khi bù trừ sản lượng điện giữa sản xuất và tiêu thụ, đối tượng tham gia đầu tư có khả năng thu ngắn thời gian hoàn vốn từ lượng điện dư thừa bán lên lưới, dự tính bằng một nửa “tuổi thọ” kinh tế của dự án xuyên suốt khoảng 25 năm.

    
    Theo đề   tài này, sản lượng điện năng phát ra đạt 75.000 kWh/năm, trong khi mức   tiêu thụ điện năng sử dụng trên 1 ha sản xuất thanh long trái vụ chỉ   19.200 kWh/năm (thời gian chong đèn là 80 ngày).

QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sản xuất năng lượng tái tạo phục vụ canh tác cây thanh long: Tận dụng lợi thế “kép” của Bình Thuận