Theo dõi trên

Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp: Biết, nhưng ít áp dụng đầy đủ

21/06/2018, 10:00

BT- Hoạt động sản xuất sạch hơn (SXSH) được triển khai trên địa bàn Bình Thuận nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, doanh nghiệp địa phương về vấn đề này. Song song đó còn tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng các quy trình SXSH, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu… Trong đó có hướng đến giảm thiểu phát thải, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm để góp phần bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và bảo đảm phát triển bền vững.

                
   Một công đoạn chế biến nhân hạt điều của    doanh nghiệp trên địa bàn Bình Thuận.

Nâng nhận thức và năng lực

Theo các mục tiêu được giao, hàng năm Sở Công Thương đều xúc tiến xây dựng kế hoạch “Triển khai thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2020”. Nhất là về tuyên truyền nâng cao nhận thức, kể từ năm 2010 địa phương đã phối hợp mở nhiều lớp tập huấn, tổ chức hội thảo chuyên đề phổ biến kiến thức về SXSH cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp… Việc áp dụng SXSH cũng được tích cực triển khai trên với cơ quan đầu mối là Sở Công Thương Bình Thuận chịu trách nhiệm trong công tác chuyên môn trên lĩnh vực này.

Thực tế từ năm 2011, Trung tâm Khuyến công (thuộc Sở Công Thương) đã tiến hành đánh giá nhanh về SXSH cho 5 doanh nghiệp chế biến thủy sản, nước mắm, nhân hạt điều từ nguồn kinh phí Trung ương. Những năm tiếp theo, một số doanh nghiệp chế biến cao su, chế biến hải sản, sản xuất bún - bánh phở, sản xuất nước khoáng, sản xuất gạch… cũng được kinh phí địa phương hỗ để thực hiện đánh giá nhanh về SXSH. Còn trong năm vừa qua, ngành chức năng của tỉnh đã triển khai điều tra, khảo sát tình hình và khả năng áp dụng SXSH trên địa bàn Bình Thuận để tìm giải pháp thực hiện hiệu quả hơn vào thời gian tới…

Tại Bình Thuận, tổng kinh phí triển khai chương trình SXSH qua gần 10 năm nay là hơn 990 triệu đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 456 triệu đồng, ngân sách địa phương chi hơn 352 triệu đồng và doanh nghiệp đóng góp 182,9 triệu đồng. Do còn khó khăn so nhu cầu thực tế, nên kinh phí chỉ tập tập trung cho công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về SXSH trong công nghiệp, đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp tiến hành đánh giá nhanh, đánh giá chi tiết… thì còn hạn chế. 

Doanh nghiệp biết, nhưng… 

 Năm 2017, địa phương tiến hành khảo sát 200 trong tổng số 1.500 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận với kết quả đáng suy ngẫm. Cụ thể gồm 141 doanh nghiệp có hiểu biết, nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH (chiếm hơn 70% số doanh nghiệp được khảo sát), 74 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã áp dụng SXSH (đạt 37%). Tuy nhiên, chỉ 8 doanh nghiệp của tỉnh áp dụng SXSH trong công nghiệp là có phản hồi về ảnh hưởng của SXSH đến tiêu hao vật tư, nguyên liệu. Trong đó có 6 doanh nghiệp ghi nhận tiết kiệm được từ 5 - 8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm. Như vậy sau thời gian thực hiện, Bình Thuận đã đạt được 2 chỉ tiêu về số doanh nghiệp nhận thức và số doanh nghiệp áp dụng SXSH, còn với chỉ tiêu tiết kiệm được từ 5 - 8% mức tiêu thụ vật tư, nguyên liệu thì mới đạt 75%.

Từ kết quả khảo sát cho thấy, mức độ nhận thức của các doanh nghiệp tại Bình Thuận có biết về SXSH trong công nghiệp chiếm tỷ lệ khá lớn, trong đó hơn một nửa doanh nghiệp đã quan tâm áp dụng (74/141 doanh nghiệp). Thế nhưng hiện chỉ có 3 đơn vị hình thành bộ phận chuyên trách về SXSH, điều này cho thấy SXSH trên địa bàn vẫn chưa được các doanh nghiệp quan tâm áp dụng đầy đủ. Có thể đây là chương trình còn mới, chưa được áp dụng rộng rãi nên nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc áp dụng SXSH trong quá trình sản xuất. Hoặc vì lợi ích trước mắt, một số doanh nghiệp hiện chưa mặn mà với công tác đánh giá nhanh, kiểm toán năng lượng… dẫn đến khó khăn trong vận động doanh nghiệp tham gia, xây dựng kế hoạch hàng năm.

Chuẩn bị triển khai kế hoạch cho 2 năm tới (2019 - 2020), tỉnh Bình Thuận tiếp tục tập trung thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn khởi động áp dụng SXSH. Bên cạnh tổ chức tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật, địa phương sẽ tiến hành hỗ trợ cho 3 cơ sở sản xuất công nghiệp có tiềm năng áp dụng SXSH đối với những sản phẩm lợi thế, sản phẩm công nghiệp ưu tiên, chế biến nông thủy sản… Đồng thời kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, tham mưu thể chế hóa hoạt động SXSH ở tầm cao hơn, ít nhất là nghị định của Thủ tướng Chính phủ và có biện pháp chế tài trong một số lĩnh vực, trường hợp.  

QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp: Biết, nhưng ít áp dụng đầy đủ