Theo dõi trên

Để chăn nuôi không gây ô nhiễm

05/10/2017, 10:36 - Lượt đọc: 6

BT- Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện nước ta có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung; trong đó, phổ biến là chăn nuôi heo với khoảng 4 triệu hộ và chăn nuôi gia cầm là khoảng 8 triệu hộ, với tổng đàn khoảng 362 triệu con gia cầm, 29 triệu con heo, 8 triệu con gia súc.

Mỗi năm, khối lượng chất thải chăn nuôi xả ra môi trường trên 84 triệu tấn thải rắn và khoảng 50 triệu m³ chất thải lỏng. Trong đó, chỉ có khoảng 60% được xử lý, còn lại, tới 40% chất thải vẫn bị đẩy ra môi trường.

Tại Bình Thuận, tình hình ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi cũng hết sức phức tạp, nhất là các trang trại chăn nuôi heo, tập trung ở các huyện phía Nam của tỉnh. Số đàn heo trong các trang trại trên địa bàn tỉnh khá lớn với trên 61.000 con; quy mô bình quân một trang trại đạt 1.398 con; bình quân một doanh nghiệp đạt 6.528 con. Các trang trại chăn nuôi với quy mô lớn tập trung chủ yếu ở huyện Hàm Tân (23 trang trại với trên 50.000 con) và huyện Đức Linh (16 trang trại, với trên 6.000 con). Những dự án này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế tỉnh, tuy nhiên qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các cơ sở chăn nuôi chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Đặc biệt là hệ thống thu gom, xử lý nước thải chưa đạt quy chuẩn. Đa phần các dự án khác chỉ xử lý lắng lọc sơ bộ bằng hồ và thấm ra bên ngoài. Chính việc này đã gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, môi trường xung quanh bị ô nhiễm nặng nề từ đó gây nhiều bức xúc trong nhân dân và xảy ra nhiều vụ việc khiếu kiện ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Để từng bước khắc phục, cải thiện môi trường do chăn nuôi gây ra, đưa việc chăn nuôi gia súc, gia cầm đi vào quỹ đạo, yêu cầu đặt ra là các sở ngành chức năng có liên quan của tỉnh cùng các địa phương cần chú ý kỹ khâu thẩm tra về vị trí địa điểm đối với các dự án xin đầu tư theo quy định tại Thông tư 04/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện chăn nuôi heo, trại chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học. Đặc biệt chú ý quy định về khoảng cách từ trang trại đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt và nơi xây dựng trang trại phải có nguồn nước sạch và đủ trữ lượng cho chăn nuôi; đảm bảo điều kiện xử lý chất thải theo quy định.

 Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi. Việc quy hoạch và giám sát quy hoạch cả tổng thể và chi tiết chăn nuôi theo từng vùng, địa bàn cụm tỉnh cho từng chủng loại gia súc, gia cầm, với số lượng phù hợp để không gây quá tải cho môi trường là biện pháp quan trọng có tầm chiến lược cần đặc biệt chú ý, nhằm tránh tình trạng như xã Thắng Hải (Hàm Tân) có đến 5 dự án chăn nuôi heo với quy mô lớn, gây lo lắng cho người dân về tình trạng ô nhiễm kéo dài như thời gian qua.

Các ngành chức năng như công an, tài nguyên môi trường cần có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời các cơ sở vi phạm về bảo vệ môi trường. Đối với các địa điểm, khu vực có kiến nghị phản ánh của cộng đồng dân cư về ô nhiễm môi trường cần tiến hành ngay việc kiểm tra, xác minh, xử lý giải quyết dứt điểm. Đồng thời phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường cho nhà chăn nuôi và nhân dân; phát hiện, nêu gương các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình điển hình, tích cực có các mô hình tốt về bảo vệ môi trường và phát hiện, phê phán, tạo dư luận mạnh mẽ đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để chăn nuôi không gây ô nhiễm