Theo dõi trên

Song song hạn là nhiễm mặn

28/02/2020, 17:04

BT- Do triều cường dâng cao, nguồn nước sông lại không có dẫn đến việc nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền theo đường sông và thẩm thấu vào giếng của các hộ dân. 

                
   Đập ngăn mặn ở Tân Thuận, Hàm Thuận    Nam. Ảnh: N.Lân

Cảnh báo

Gần giữa tháng 2/2020, Hàm Thuận Nam đã có văn bản đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận có phương án điều tiết, phân phối nguồn nước từ các hồ chứa nước thủy lợi đến các hệ thống công trình trên địa bàn huyện hợp lý, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nước. Như vậy, sau Bắc Bình, bây giờ đến lượt Hàm Thuận Nam lo lắng hạn sẽ xảy ra, có thể phổ biến hoặc cục bộ. Nguyên nhân vì tổng lượng nước tích trữ trong các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn đang rất thấp so cùng kỳ năm 2019. Vì vậy, Hàm Thuận Nam nhấn mạnh cần ưu tiên cung cấp nguồn nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn, nhất là khu trung tâm hành chính của huyện đến ngày 30/6/2020. Tiếp đến mới giải quyết các nhu cầu khác tuần tự như  nguồn nước cho gia súc, gia cầm, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao và nước sản xuất trong vụ hè thu năm 2020. Bên cạnh đó, cũng đề nghị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng tuyến kênh chuyển nước Tân Lập – Tà Mon, để cung cấp nguồn nước bổ sung cho hồ Tà Mon phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vì hiện tại lượng nước có tại hồ nhỏ này không nhiều và khả năng sẽ cạn khô vào khoảng tháng 4/2020.

Đó là tình hình ở những vùng có kênh thủy lợi đi qua. Còn những vùng chưa có thủy lợi ở phía gần biển như Tân Thuận…thì mặn đang âm thầm tiếp tục xâm nhập vào. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hàm Thuận Nam, tình hình xâm nhập mặn ở khu vực này không phải vào thời điểm này mà từ những năm trước xa, đã xảy ra trên diện rộng khiến huyện đã đề nghị tỉnh cho xây dựng đập ngăn mặn Tân Thuận. Sau đó, cơ quan chức năng đã khảo sát, đã làm đến bước đề nghị vay vốn Ngân hàng Thế giới nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Thời gian qua, để ngăn mặn xâm nhập, người dân đã làm 6 - 9 đập ngăn tạm trên sông Phan và đập cuối cùng giáp với xã Tân Hải (thị xã La Gi).

Trong khi đó, tại xã Tân Hải, cụ thể ở thôn Hiệp Trí đã có con số diện tích đất nhiễm mặn, không thể sản xuất từ trước với 30-40 ha. Vùng này đang bỏ hoang hóa và hiện giờ chưa có một cuộc khảo sát nào nhưng chắc chắn theo diễn biến tự nhiên của hạn, hiện tại diện tích bị nhiễm mặn trên đã nhiều hơn. 

Nước mặn thắng thế?

Nếu huyện Hàm Thuận Nam, thị xã La Gi vào mùa khô năm nay không phải là rốn hạn nhưng hiện tại, nhiễm mặn đã xuất hiện thì vùng rốn hạn là Bắc Bình, điều đó diễn ra nhanh chóng tại các xã nằm cuối nguồn các con sông và giáp biển. 2 xã Phan Rí Thành, Phan Hòa nằm ở vị trí trên và hiện tại, theo lời của cán bộ 2 xã này là mặn đang bao vây từ sản xuất cho đến đời sống sinh hoạt của người dân. Nguồn nước trên sông Lũy, sông Đồng qua các xã này, nếu năm trước còn sử dụng để bơm tưới cây cối thì nay đều đã nhiễm mặn. Vì thế, ngay những ngày đầu mùa khô, dân ở 2 nơi này đổ xô đi khoan giếng để lấy nước cho sản xuất, cho sinh hoạt, nhất là tìm mọi cách để cứu diện tích sản xuất ngoài kế hoạch thì cũng đồng thời vô tình mở lối cho nước biển len lỏi xâm nhập sâu vào đất sản xuất phía trong.

Trong khi đó, ở Tuy Phong dù có nguồn nước dự trữ từ các hồ, nhất là hồ Phan Dũng nên diện tích bị cắt sản xuất đông xuân ít. Tuy nhiên, thời điểm này, tại những xã nằm ven biển như Phước Thể, Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân cũng đã xuất hiện những điểm bị nhiễm mặn. Cụ thể như tại Phước Thể, theo khảo sát của xã, hiện đang có 2 khu vực có nguồn nước ngầm đang bị nhiễm mặn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Đó là khu vực xung quanh Công ty TNHH Thủy sản Hải Dương tại xóm 1 có khoảng 10 hộ có giếng nước bị nhiễm mặn, không thể sử dụng cho sinh hoạt và tưới cho cây trồng. Đó là khu vực dọc sông Lòng Sông có 3 hộ có giếng nước không sử dụng được, do nhiễm mặn. Xã cũng xác định nguyên nhân là do triều cường dâng cao, nguồn nước sông từ thượng nguồn lại không có dẫn đến việc nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền theo đường sông và thẩm thấu vào giếng của các hộ dân.

Đó là đường đi bình thường theo quy luật tự nhiên của dòng nước ngầm. Những năm nguồn nước ngọt dồi dào, không hạn thì nước ngọt đẩy nước mặn ra xa và ngược lại. Vì thế, năm nay nơi nào hạn gắt thì cũng song song đó xảy ra nhiễm mặn. Điều đáng lo là mùa khô còn kéo dài ít nhất 4 tháng nữa, có nghĩa nước mặn đang thắng thế… 

Bích NghỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Song song hạn là nhiễm mặn