Theo dõi trên

Tái canh cây cao su ở Đông Giang - La Dạ

22/01/2019, 09:00

BT- Sau nhiều năm cho sản lượng mủ cao, diện tích cây cao su được trồng theo Chương trình 327 của Chính phủ ở xã Đông Giang, La Dạ (Hàm Thuận Bắc) hiện nay đã suy kiệt. Tuy nhiên, sắp tới diện tích cao su này sẽ được trồng mới, câu chuyện giúp người đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo sẽ được tiếp tục. 

                
      
   Đề án tái canh cây cao su hứa hẹn sẽ mang    đến cuộc sống ổn định hơn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cao su đã thoái hóa

Dự án trồng và chăm sóc cây cao su tại 2 xã Đông Giang, La Dạ  được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 1997 với mục tiêu giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định định canh, định cư. Dự án được thực hiện trên tổng diện tích là: 292,21 ha (xã Đông Giang 183,5 ha, La Dạ 108,71 ha), trong đó cao su còn sống 250,84 ha. Đến năm 2002, dự án hoàn thành, năm 2004 bắt đầu đưa vào khai thác đối với diện tích trồng năm 1997 - 1998 và đến năm 2008 đã đưa vào khai thác toàn bộ diện tích cao su của dự án. Tính đến nay thời gian khai thác mủ mới chỉ trên 15 năm đạt 3/4 chu kỳ kinh doanh tối thiểu theo quy định, nhưng  một số diện tích vườn cây đã suy kiệt, không ra mủ hoặc ra mủ ít, chất lượng mủ thấp, không còn hiệu quả kinh tế. Vào thời điểm những năm đầu của chu kỳ khai thác (năm 2008 - 2010), sản lượng mủ tiêu thụ có năm lên đến trên 650 tấn nhưng đến năm 2017, sản lượng mủ tiêu thụ chỉ còn 72 tấn (bằng 11% so năm 2010 - năm cao nhất).

Nguyên nhân là do việc chăm sóc của các hộ dân kém, nhất là thời kỳ giá mủ cao su xuống thấp giai đoạn 2012 - 2016, nhiều hộ không bón phân, thiếu chăm sóc vườn cây nhưng vẫn tiến hành cạo mủ. Mặt khác, trong quá trình khai thác mủ các hộ dân thực hiện không đúng quy trình như: cạo không đúng kỹ thuật, cạo phạm một số cây không còn mạch cạo, cạo nhiều lần/ngày hoặc cạo D1, dẫn đến các vườn cây phải khai thác trắng trong thời gian tới. 

Dùng cây “cũ” trồng cây “mới”

Trước tình trạng cây cao su cho năng suất thấp ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân 2 xã Đông Giang, La Dạ, tháng 5/2015, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ đối với Ban Dân tộc “Xây dựng phương án tái canh vườn cao su trên diện tích của 2 xã Đông Giang và La Dạ khi hết chu kỳ thu hoạch mủ”.

         
         UBND tỉnh vừa phê duyệt đề án “Tái canh cây cao su trồng theo Chương    trình 327 trên địa bàn xã Đông Giang, La Dạ (Hàm Thuận Bắc)”. Khi dự    án đi vào thực hiện 250 ha cao su sẽ được tái canh, góp phần chuyển    đổi cơ cấu cây trồng và giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động    của trên 330 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại 2 xã. Nhờ đó, tăng thu    nhập và cải thiện đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu    số.

Đề án tái canh được thực hiện trên 100% diện tích cao su trồng theo Chương trình 327 hiện có trên địa bàn xã Đông Giang, La Dạ với kinh phí trong giai đoạn kiến thiết cơ bản khoảng 16,3 tỷ đồng. Để có nguồn vốn thực hiện đề án, Ban Dân tộc miền núi tỉnh  dự kiến sẽ lấy từ nguồn bán gỗ cây cao su còn sống hiện nay trong diện tích được trồng theo Chương trình 327 năm 1997. Tổng số tiền  thu được từ việc bán cây cao su trên diện tích 251 ha là khoảng 35,2 tỷ đồng. Số tiền thu được này sẽ dùng để đầu tư trong giai đoạn kiến thiết cơ bản và mua phân thuốc chăm sóc cây cao su trong những năm tiếp theo. Trường hợp những hộ có số tiền bán cây không đủ bù chi phí trong giai đoạn kiến thiết cơ bản thì các hộ tự đầu tư bằng nguồn tự có hoặc đi vay ngân hàng. Trong thời gian đề án được triển khai, Ban Dân tộc tỉnh sẽ phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cao su giúp người dân phát huy tốt hiệu quả dự án.

 Để giải quyết lao động, việc làm trong thời gian cao su chưa khép tán, các hộ đồng bào sẽ tận dụng trồng xen bắp lai “lấy ngắn nuôi dài”, tạo nguồn thu nhập cải thiện đời sống cho các hộ đồng bào. Theo tính toán của Ban Dân tộc tỉnh, năm đầu tiên khi thực hiện dự án tái canh, người dân có thể trồng xen cây ngắn ngày trên 60% diện tích cây cao su. Từ năm thứ 2 đến năm thứ 6, người dân có thể trồng xen cây ngắn ngày trên 50% diện tích trồng cây cao su tái canh. Tổng nguồn thu từ việc trồng xen cây ngắn ngày trong 6 năm đầu tái canh cây cao su có thể đạt 13,6 tỷ đồng. Số tiền này có thể giúp người dân ổn định cuộc sống đến khi cây cao su cho mủ.

NguyỄn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tái canh cây cao su ở Đông Giang - La Dạ