Theo dõi trên

Tái canh cây cao su theo chương trình 327

06/03/2019, 10:37 - Lượt đọc: 30

BTO- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, giải quyết việc làm cho trên 330 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 2 xã Đông Giang, La Dạ (Hàm Thuận Bắc), Ban Dân tộc tỉnh đang triển khai đề án “Tái canh cây cao su trồng theo chương trình 327” tại hai xã trên.

Cần thiết tái canh

Dự án trồng và chăm sóc cây cao su được UBND tỉnh phê duyệt năm 1997, địa điểm trồng tại xã Đông Giang và La Dạ, trên tổng diện tích 292,21 ha, trong đó Đông Giang 183,5 ha, La Dạ 108,71 ha. Đến năm 2004 bắt đầu đưa vào khai thác.

Chủ tịch UBND xã Đông Giang Nguyễn Như Diễn nhớ lại: Thời điểm đó, cây cao su là cây trồng hoàn toàn mới và xa lạ với người dân Đông Giang. Do đây là loại cây dài ngày, trong khi tập quán của đồng bào chủ yếu làm nương rẫy, có thu hoạch ngay.Chính quyền phải vận động 32 đảng viên nhận làm trước, thực hiện dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của Ban Dân tộc tỉnh cầm tay chỉ việc từ đào hố, trồng đến bón phân... dần dà hàng trăm hộ khác cũng chủ động nhận trồng, chăm sóc cao su trên diện tích của mình. Trong thời gian chờ khai thác, tận dụng đất trống khi vườn cây chưa khép tán để trồng cây ngắn ngày như bắp lai, đậu xanh, bí, đu đủ, chuối tăng thu nhập.

 

Đặc biệt những năm 2005 – 2010, giá mủ cao su tăng cao, khiến cho đời sống của đồng bào dân tộc của hai xã thực sự “đổi đời”. Nhiều gia đình nhờ “vàng trắng” mà xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm phương tiện hiện đại trong gia đình, lo cho con cái học hành…Thêm vào đó trong quá trình khai thác các hộ thực hiện không đúng quy trình như cạo không đúng kỹ thuật, cạo phạm khiến cây không còn mạch cạo, cạo nhiều lần trong ngày… khiến cho vườn cây suy kiệt. Tính đến nay thời gian khai thác mới trên 15 năm (đạt 3/4 chu kỳ kinh doanh theo quy định) nhưng một số diện tích không ra mủ hoặc ra mủ ít; sản lượng, chất lượng mủ thấp, không còn hiệu quả kinh tế hoặc không thể khai thác do đã hết mặt cạo. Nếu thời điểm những năm đầu của chu kỳ khai thác, sản lượng mủ tiêu thụ có năm trên 650 tấn, đến năm 2017 chỉ còn 72 tấn.

Khi nghe thông tin có đề án tái canh cây cao su, nhiều hộ đang trồng giống cây này đều khấp khởi mừng. Ông K Danh – thôn 1, xã Đông Giang cho biết: Nhờ cây cao su mà gia đình tôi mua sắm được nhiều phương tiện có giá trị, làm nhà. Nhưng quá trình khai thác lâu năm cộng với cạo dày, cạo phạm, năm rồi sản lượng mủ đạt rất thấp. Nhà nước có chủ trương tái canh lại vườn cây thì tốt quá. Chúng tôi lại có cơ hội tiếp tục gắn bó với cây cao su và ổn định kinh tế lâu dài.

Chủ tịch UBND xã La Dạ Hoàng Chiến Thắng cũng cho rằng việc tái canh là hợp lý. So với những cây trồng khác trên địa bàn thì cây cao su đã góp phần cải thiện đời sống nông dân và thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp. Địa phương đã tổ chức họp dân và ký cam kết thực hiện theo đề án.

Tái canh phải theo từng lô, khoảnh

Tái canh để phát triển lại diện tích cao su đã trồng nhưng hết chu kỳ khai thác hoặc khai thác không có hiệu quả. Việc tái canh phải được thực hiện trên 100% diện tích đã có.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Võ Văn Hòa cho biết: Tổng diện tích sẽ tái canh là 250 ha. Thời gian tái canh dự kiến bắt đầu từ năm 2020 và kết thúc năm 2025. Việc tái canh phải đảm bảo theo từng lô, khoảnh, không làm manh mún theo từng hộ. Trước khi tiến hành tái canh, các hộ sẽ tiếp tục được Ban Dân tộc tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc đúng cách, hướng dẫn thâm canh từ năm đầu để đảm bảo năng suất, sản lượng mủ sau này. Bà con cũng yên tâm về đầu ra, khi Trung tâm Dịch vụ miền núi (thuộc Ban Dân tộc) sẽ tổ chức thutại Trạm thu mua mủ cao su Đông Giang, theo giá thị trường cùng thời điểm.

Cũng theo ông Hòa: Tại hai địa phương trên có khoảng hơn 88.000 cây cao su còn sống. Sau khi bán theo hình thức đấu thầu công khai theo giá trị từng vườn cây của từng chủ hộ, nguồn tiền sẽ được gửi vào ngân hàng và chủ tịch UBND các xã là chủ tài khoản tiền gửi. Hàng năm các hộ khi nhận giống, phân bón… của Trung tâm Dịch vụ miền núi (thuộc Ban Dân tộc) sẽ ký nhận và UBND xã căn cứ vào đó để chuyển trả cho trung tâm. Kết thúc giai đoạn kiến thiết cơ bản, nếu hộ còn thừa tiền thì UBND xã rút thanh toán lại cho hộ dân. Trường hợp bán cây của chủ hộ không đủ bù chi phí trong thời gian kiến thiết cơ bản, thì đến thời điểm hết số tiền bán cây, chính quyền xã thông báo để người dân thanh toán cho trung tâm thông qua các nguồn thu nhập khác.

Thùy Linh. Clip Ngọc Lân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tái canh cây cao su theo chương trình 327