Theo dõi trên

Tăng diện tích VietGAP: Phải đảm bảo giá trị trái thanh long “sạch”

08/03/2017, 10:02

BT- Cách đây 10 năm, UBND tỉnh đã có chỉ thị (số 40, ngày 16/8/2007) về cấm xịt hóa chất trên cây thanh long, bởi việc làm này sớm muộn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, thương hiệu thanh long Bình Thuận. Cũng gần thập niên nay - bắt đầu từ năm 2009, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai chương trình phát triển thanh long an toàn - VietGAP trên địa bàn tỉnh và tạo ra “luồng gió mới” cho sản phẩm lợi thế của địa phương…

Qua theo dõi, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thanh long Bình Thuận cho hay vào những năm đầu, chương trình này thu hút đông đảo người trồng thanh long tham gia với thái độ khá tích cực. Tuy nhiên gần đây, tình hình triển khai sản xuất thanh long theo hướng VietGAP ngày càng khó khăn, thể hiện qua những con số không vui: Nếu như năm 2014 toàn tỉnh có 450 hộ bỏ tham gia chương trình thì trong năm 2016 có gần 770 hộ không còn gắn bó nữa… Do vậy, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thanh long Bình Thuận đặt vấn đề tại sao một sản phẩm được sản xuất theo hướng an toàn mà lại không được đón nhận, trong khi người tiêu dùng luôn quan tâm và ưu tiên sử dụng thanh long “sạch”?

Thực ra khi triển khai chương trình, điều này đã được người trồng thanh long Bình Thuận nghi vấn “ai mua sản phẩm làm theo VietGAP”, trong lúc đó diện tích sản xuất thanh long “sạch” chưa nhiều nên một số doanh nghiệp cho rằng sản lượng chưa đủ để thu mua. Đến giai đoạn cao trào nhà nhà tham gia, diện tích trồng thanh long VietGAP tăng vọt lên hàng ngàn ha thì vẫn không thấy ai đứng ra đảm bảo thu mua ổn định với mức giá tương xứng. Thế nên dần dà, một bộ phận hộ tham gia trồng thanh long “sạch” trên địa bàn Bình Thuận đã không còn mặn mà với tiêu chuẩn gọi là thực hành nông nghiệp tốt.

 Hiện tại, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thanh long Bình Thuận vẫn được tỉnh và ngành NN & PTNT địa phương giao nhiệm vụ tổ chức sản xuất thanh long an toàn - VietGAP. Dù vậy sau nhiều năm triển khai chương trình, đơn vị này dự báo năm 2017 sẽ đối diện không ít khó khăn khi nhận nhiệm vụ đến hết năm nay toàn tỉnh phải có 9.700 ha được công nhận VietGAP. Nếu xét về lý thuyết thì nhiệm vụ nói trên tương đối “dễ thở”, vì kết thúc năm 2016 địa phương đã có 9.165 ha được công nhận, nên năm 2017 chỉ công nhận thêm khoảng 535 ha nữa là đạt yêu cầu. Song thực tế không phải vậy, bởi những năm gần đây cho thấy qua tái cấp chứng nhận thì tỷ lệ diện tích trồng thanh long theo hướng sản xuất an toàn giảm trung bình từ 28 - 30%. Như vậy trong năm nay, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thanh long Bình Thuận có thể tái cấp chứng nhận cho gần 7.000 ha, còn diện tích cấp mới không phải là 535 ha mà gấp nhiều lần mới mong hoàn thành chỉ tiêu có 9.700 ha được công nhận VietGAP…

Với tình hình như trên, địa phương và ngành chức năng cần sớm có các giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy công tác phát triển thanh long an toàn trên địa bàn Bình Thuận. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người trồng thanh long tiếp tục tham gia sản xuất theo đúng quy trình an toàn - VietGAP thì còn định hướng thị trường tiêu thụ, tìm kiếm đối tác tiềm năng ký kết hợp đồng mua bán để giảm khâu trung gian. Đồng thời quan tâm xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nội địa lẫn xuất khẩu bằng chất lượng và giá cả hợp lý, riêng thị trường Trung Quốc phải thay đổi dần phương thức mua bán từ tiểu ngạch như hiện nay sang chính ngạch nhằm đảm bảo giá trị tương xứng cho trái thanh long “sạch” của Bình Thuận.

 QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng diện tích VietGAP: Phải đảm bảo giá trị trái thanh long “sạch”