Theo dõi trên

Tăng hiệu quả kinh tế cây trồng chủ lực

02/10/2017, 09:14

BT- Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hàm Thuận Nam. Vì vậy, địa phương tập trung các giải pháp như tăng năng suất, sản lượng, nâng hiệu quả các cây trồng chủ lực, trong đó yếu tố cải tạo giống mới được quan tâm hàng đầu.

                
   Chăm sóc vườn thanh long. Ảnh: Đ.Hòa

Đưa các giống lúa mới năng suất cao vào sản xuất

Phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, những năm qua Hàm Thuận Nam tiếp tục phát huy lợi thế những cây trồng chủ lực như thanh long, lúa, bắp… Tính riêng 9 tháng 2017, diện tích gieo trồng toàn huyện đạt trên 97%, sản lượng lương thực đạt 66,07% kế hoạch. Sản lượng gieo trồng vụ hè thu là 22.405 tấn, đạt 103% KH. Đến nay, toàn huyện đã gieo trồng được hơn 2.900 ha cây trồng vụ mùa, đạt 89% KH. Ông Nguyễn Ngọc Diệp - Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết: “Từ đầu năm đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện thuận lợi hơn nên sản lượng lương thực tăng hơn 5.338 tấn so cùng kỳ. Ngoài yếu tố thời tiết thuận lợi, mưa nhiều, mưa sớm thì việc sử dụng những giống lúa mới đã làm tăng sản lượng cây trồng.

Sản xuất nông nghiệp thuận lợi là nhờ địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bố trí cây trồng chịu hạn để tiết kiệm nguồn nước, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là việc đưa các giống mới có năng suất cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, góp phần tăng nâng suất, chất lượng. Đặc biệt, việc địa phương thực hiện mô hình xã hội hóa giống lúa đã giúp người nông dân sản xuất lúa có một lượng giống lúa xác nhận có chất lượng, phù hợp với thổ nhưỡng để sản xuất những vụ tiếp theo. Cùng với đó là áp dụng quy trình canh tác theo hướng thâm canh để tăng năng suất. Ngoài ra, từ nguồn vốn hỗ trợ và phát triển đất lúa năm 2016, Phòng Nông nghiệp huyện cũng xây dựng mô hình xã hội hóa giống lúa, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lúa, bắp, mô hình học tập kinh nghiệm xây dựng “Cánh đồng lớn”. 

Cần giải pháp đẩy lùi dịch bệnh cây thanh long

Thanh long là cây trồng chủ lực của Hàm Thuận Nam, đã góp phần “thay da đổi thịt” diện mạo đời sống người dân vùng nông thôn. Diện tích thanh long toàn huyện khá lớn với hơn 12.370 ha và được xem là huyện trọng điểm về loại cây trồng này. Gần đây, do nông dân trồng thanh long ồ ạt dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nước phục vụ tưới tiêu. Huyện đã thành công khi tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, đã có 30% diện tích thanh long toàn huyện áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm như tưới phun mưa, tưới cục bộ, tưới nhỏ giọt, tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là tình hình bệnh đốm nâu trên cây thanh long còn diễn biến phức tạp. Tính đến giữa tháng 9, Hàm Thuận Nam có 2.186 ha thanh long nhiễm đốm nâu; trong đó nhiễm nhẹ 1.791 ha, nhiễm trung bình 360 ha, nặng là 35 ha.

Bên cạnh đó, chương trình sản xuất thanh long VietGAP còn nhiều khó khăn mặc dù địa phương liên tục vận động, tuyên truyền và hướng dẫn người dân trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Đặng Hồng Sỹ - Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Nam, cho hay: “Đáng lo ngại nhất là bệnh gây hại cho thanh long, đặc biệt là bệnh đốm nâu. Một trong những nguyên nhân gây bệnh cho thanh long là do giống thanh long đang trồng bị thoái hóa, không còn phù hợp. Ngoài việc tuyên truyền cho người dân về ý thức canh tác, huyện cũng cần sự quan tâm từ tỉnh để có cơ chế chính sách hỗ trợ về chuyển giao công nghệ cho bà con giống mới, tập huấn, hom giống để đẩy lùi dịch bệnh”.

Việc cải tạo giống mới cho cây thanh long là rất cần thiết đối với cây trồng chủ lực này của tỉnh nói chung và Hàm Thuận Nam nói riêng. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nam đã yêu cầu ngành nông nghiệp cần tập trung nghiên cứu xây dựng đề án thực hiện thí điểm cải tạo giống thanh long, để phát triển cây thanh long bền vững trong tương lai. 

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng hiệu quả kinh tế cây trồng chủ lực