Theo dõi trên

Tăng thêm sản lượng điện vào cuối năm cho nhu cầu phát triển

01/08/2017, 08:43

BT- Ông Võ Minh Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án nhiệt điện Vĩnh Tân cho biết, Tổ máy số 2 của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đã thực hiện hòa lưới lần đầu thành công vào trung tuần tháng 7 này, sớm hơn nửa tháng so kế hoạch. Đây là mốc quan trọng để tiến tới hoàn thành việc thử nghiệm, đưa tổ máy 2 vào vận hành thương mại cuối năm nay. Cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án, các hệ thống bảo vệ môi trường như: hệ thống khử lưu huỳnh bằng nước biển (FGD), lọc bụi tĩnh điện (ESP) được đưa vào vận hành ngay từ khi đốt lò, đảm bảo công tác bảo vệ môi trường trong quá trình thử nghiệm cũng như khi nhà máy này chính thức đi vào hoạt động.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, Tổng công ty Phát điện 3/Ban Quản lý dự án nhiệt điện Vĩnh Tân quản lý dự án, được thực hiện theo hình thức EPC (thiết kế - cung cấp vật tư thiết bị - xây dựng lắp đặt) với tổ hợp nhà thầu Tập đoàn Công nghiệp nặng Doosan (Hàn Quốc), Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản), Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 và Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương. Liên doanh này với hai tập đoàn nước ngoài uy tín có kinh nghiệm thực hiện các dự án nhà máy nhiệt điện than trong, ngoài nước, được chủ đầu tư đánh giá cao về chất lượng lẫn tiến độ, đảm bảo an toàn lao động, môi trường sản xuất. Với Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 tổng công suất lắp đặt 1.200 MW (2 tổ máy), là nhà máy nhiệt điện than có quy mô lớn đầu tiên ở Việt Nam sử dụng công nghệ lò hơi thông số trên tới hạn (super critical). Theo kế hoạch, tổ máy số 2 vừa hòa lưới thành công sẽ vận hành thương mại từ cuối năm nay, tổ máy còn lại dự kiến vận hành trong quý II/2018. Nhà máy sẽ được đấu nối với hệ thống điện quốc gia thông qua lưới điện đồng bộ 500 kV. Sau khi hoàn thành đồng bộ, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 sẽ cung cấp cho hệ thống điện khoảng 7,2 tỷ kWh/năm, góp phần đảm bảo cung cấp điện năng cho phát triển kinh tế, xã hội Bình Thuận nói riêng, các tỉnh phía Nam nói chung.     

Trong khi đó, thông tin từ EVN cho hay, cũng thượng tuần tháng 7, Nhà máy thủy điện Thác Mơ mở rộng chính thức hòa đồng bộ thành công vào lưới điện quốc gia. Dự án thủy điện Thác Mơ mở rộng tại Bình Phước (vùng Đông Nam bộ) có công suất 75 MW (1 tổ máy), do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Sau khi dự án hoàn thành nâng công suất của thủy điện Thác Mơ lên 225 MW. Việc hòa đồng bộ kịp thời dự án thủy điện Thác Mơ mở rộng đóng góp cho lưới điện quốc gia sản lượng khoảng 52 triệu kWh mỗi năm. Tổng mức đầu tư là 1.558,924 tỷ đồng, trong đó 85% nguồn vốn vay ODA do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, 15% vốn đối ứng trong nước.

Như vậy, cùng với Tổ máy số 2 của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (600 MW), Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (1.244 MW), thủy điện Thác Mơ 225 MW đều do EVN làm chủ đầu tư đã nâng tổng công suất phát điện đáng kể vào lưới điện quốc gia. Các nhà máy này sẽ tăng cường năng lực cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, các tỉnh, thành phía Nam. qua đó góp phần giảm sự phụ thuộc của hệ thống điện vào nguồn thủy điện, đặc biệt vào mùa khô, giảm sản lượng điện phải truyền tải từ Bắc vào Nam, giảm tổn thất điện năng, tăng tính an toàn, ổn định, kinh tế cho vận hành hệ thống điện.

Thái Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng thêm sản lượng điện vào cuối năm cho nhu cầu phát triển