Theo dõi trên

Tánh Linh:

18/01/2021, 08:58

Nông dân liên kết, tương trợ trong sản xuất

BT- Hội Nông dân huyện Tánh Linh đang xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, chăn nuôi. Qua áp dụng phương thức sản xuất tiên tiến, chọn cây, con giống chất lượng, nhất là sự chia sẻ từ nhà nông và doanh nghiệp đã từng bước nâng giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích canh tác.

Những ngày cuối năm tiết trời trở lạnh, kèm theo sương dày khiến luống rau màu của ông Tạ Ngọc Hồng (thôn 3 xã Đức Bình) xuất hiện sâu gây hại. Nhất là đám khổ qua lấy hạt có rầy mật, rầy truyền đóng dưới lớp lá. Hỏi ra nhiều hộ đang trồng cũng xuất hiện mầm bệnh tương tự. “Cũng may thăm vườn thường xuyên, kịp thời phát hiện điều trị chứ để lan ra thì cây suy yếu, ảnh hưởng năng suất. Do hơn 1 sào này sản xuất theo liên kết của công ty để lấy hạt”, ông Hồng vừa nói, vừa cẩn thận soi xét từng cây.

Cũng từ ngày liên kết với Công ty chuyên hạt giống Việt Nông ở Đồng Nai trồng khổ qua lấy hạt, không chỉ ông Hồng mà các hộ nông dân ở xã Đức Bình, xã La Ngâu đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định sản xuất đề ra để đem lại hạt giống tốt nhất. Không như sản xuất truyền thống dựa vào kinh nghiệm, phun, xịt thuốc không đúng liều, đúng thời gian. Điều này thể hiện trách nhiệm, gắn kết giữa người nông dân với doanh nghiệp và ngược lại.

Nụ cười của người nông dân khi tham gia liên kết sản xuất mang lại hiệu quả

Hiện nay việc xây dựng, nhân rộng những mô hình liên kết, hợp tác sản xuất như trên ở Tánh Linh đang tăng cả về lượng và chất. Ông Nguyễn Văn Tỉnh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện vui mừng cho biết: Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, nhu cầu, Hội Nông dân và đặc biệt các hộ dân rất nhạy bén, chủ động thay đổi, cùng nhau nâng cao lợi nhuận. Có thể kể đến mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm cây đậu bắp với Công ty Hoàng Gia tại xã Đồng Kho, La Ngâu, trên diện tích 25 ha; liên kết với Công ty Công Thành trồng lúa nếp IR 4625 tại xã Nghị Đức, Lạc Tánh. Hay nông dân tự “bắt tay” xây dựng các sản phẩm nông nghiệp sạch cung cấp thị trường, như trồng rau trong nhà lưới, trồng măng tây ở Đồng Kho, nuôi gà trên đệm lót sinh học ở Đức Thuận, chuyển đổi khoảng 3.000 ha cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang rau, đậu các loại…

Ngoài liên kết để chia sẻ kinh nghiệm, đầu ra cho sản phẩm, thì họ còn giúp nhau về vốn phát triển kinh tế, nhờ thế tránh được vay nặng lãi bên ngoài. Đến nay 13 xã, thị trấn đều có tổ tương trợ, với tổng nguồn quỹ gần 3,4 tỷ đồng. Đó là chưa kể nông dân “lãi” về kiến thức, khi thường xuyên được tập huấn, tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.

Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương nông dân tiêu biểu như ông Thông Hoàng Thanh (khu phố Chăm, thị trấn Lạc Tánh) với quy mô đầu tư 5 ha lúa, 7 ha cao su, 2 ha thanh long và máy móc phục vụ sản xuất, lợi nhuận hàng năm trên 600 triệu đồng. Ông Cáp Kim Thành (xã Bắc Ruộng) sản xuất 8 ha lúa, 2 ha xoài, sầu riêng, cho thu nhập ổn định hơn 400 triệu đồng/năm…

 Ông Nguyễn Văn Tỉnh cho biết thêm: Tùy vào điều kiện, đặc thù của mỗi xã, nông dân đang tiếp tục thử nghiệm những mô hình nông nghiệp mới. Qua khảo sát nuôi cá thát lát an toàn sinh học bằng thức ăn công nghiệp theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ (Bắc Ruộng), nuôi lươn (Lạc Tánh), nuôi cá chép giòn (Đồng Kho), sản xuất lúa theo phương thức cải tiến SRI (Bắc Ruộng, Đức Bình), trồng đậu bắp Nhật, ớt cay (Đồng Kho)… bước đầu đều mang lại hiệu quả. Cá sinh trưởng, phát triển tốt, các loại cây trồng thích nghi với thổ nhưỡng, đạt năng suất và giá trị kinh tế cao. Đây là cơ sở để đa dạng cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, tránh đổ xô vào một sản phẩm gây ra tình trạng được mùa, mất giá và áp dụng cơ giới đồng bộ trong sản xuất, hướng đến xây dựng thương hiệu an toàn.

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tánh Linh: