Theo dõi trên

Tánh Linh: Vướng quy hoạch, nguy cơ nhà đầu tư bỏ đi

13/01/2021, 08:58

BT- Mặc dù nhiều năm nỗ lực mời gọi các nhà đầu tư trong nước nhưng đến năm 2020 thì mới có nhiều nhà đầu tư “đổ vào”. Tuy nhiên, vướng mắc về quy hoạch sử dụng đất đang làm Tánh Linh mất đi cơ hội thu hút đầu tư cũng như nguy cơ nhà đầu tư bỏ đi nếu tỉnh không trợ giúp kịp thời…

Lợi thế…

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp là chủ trương của tỉnh trong nhiều năm nay. Vì vậy hầu hết các huyện, thị, thành trong tỉnh đều nỗ lực mời gọi các doanh nghiệp trong nước đến địa phương đầu tư nhằm nâng cao nguồn thu, giải quyết lao động tại chỗ. Trên bình diện chung, các huyện đã nỗ lực với khả năng của mình để mời gọi và đã có doanh nghiệp đến đầu tư. Tuy nhiên, không phải huyện nào cũng đạt được kỳ vọng những con số doanh nghiệp đến đầu tư. Có huyện rất thành công vì doanh nghiệp chưa làm xong cụm công nghiệp đã có đối tác đăng ký thuê trọn diện tích. Có huyện 5 năm chỉ lác đác vài nhà đầu tư tìm đến, nhất là những huyện có tuyến đường vận chuyển xa với các đô thị lớn có cảng và đường hàng không thuận lợi. Tánh Linh cũng nằm trong số huyện ít doanh nghiệp đầu tư vào, dù hàng năm huyện vẫn kiên trì gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để quảng bá những lợi thế của huyện. 4 năm, từ 2016 - 2019 Tánh Linh chỉ có được 6 dự án; năm 2020 dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam khởi công, trong đó có điểm nối quan trọng quốc lộ 55 – đường ĐT720 – quốc lộ 1A – đường cao tốc…

Công nghiệp cơ khí ở Tánh Linh đang phát triển

Tánh Linh trở thành một trong những huyện có lợi thế về nhiều mặt cả về khoảng cách giao thông được rút ngắn lẫn diện tích đất để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư. Vì vậy, chỉ trong năm 2020 Tánh Linh đã thu hút 14 dự án, gồm: Nhà máy sản xuất hàng may mặc, túi xách và giày dép của Công ty TNHH Giày Tuấn Việt tại thôn 3, xã Bắc Ruộng. Dự án Khu du lịch sinh thái Núi Long tại xã Đồng Kho. Dự án đầu tư xưởng cơ khí và dịch vụ sửa chữa ô tô Tấn Hùng. Dự án Khu dân cư thôn 1, 5, xã Huy Khiêm của Công ty TNHH Xây dựng Văn Phong Tánh Linh. Dự án nhà máy may mặc Vietsun Bình Thuận tại thôn 3, xã Gia Huynh của Công ty CP Mặt Trời Việt. Trang trại chăn nuôi gà giống tại khu dự án 800 ha, xã Suối Kiết của Công ty TNHH Nhất Tâm Bình Thuận. Trang trại chăn nuôi gà thương phẩm tại khu dự án 800 ha, xã Suối Kiết của Công ty TNHH Duy Ngọc Tánh Linh. Trang trại chăn nuôi gà giống tại khu dự án 800 ha, xã Suối Kiết của bà Phan Thị Hoài Thu. Trang trại chăn nuôi gà giống tại khu dự án 800 ha, xã Suối Kiết của Công ty TNHH Trang trại Thái Bình. Trang trại chăn nuôi gà giống tại thôn 7, xã Gia An của Công ty cổ phần trang trại gà Bình An. Dự án trang trại trồng nấm và trồng cây đinh lăng tại thôn 2, xã Măng Tố của ông Nguyễn Văn Triết. Dự án nhà trồng nấm công nghệ cao tại thôn 1, xã Gia Huynh của Công ty TNHH nông nghiệp kỹ thuật cao Thành Lĩnh. Dự án trang trại chăn nuôi gà tại khu dự án 800 ha, xã Suối Kiết của Công ty TNHH ĐT Tuệ Anh. Dự án đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp tại thôn 3, xã Gia Huynh do Công ty CP Cao su Sài Gòn xin đầu tư… Kêu gọi đầu tư và đã có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư. Thế nhưng nguy cơ nhà đầu tư bỏ đi vì…

Vướng mắc…

Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng Tánh Linh: Các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn huyện đều vướng vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đất rừng sản xuất. Lý do là quyết định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện Tánh Linh được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1633/2019 và kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của huyện Tánh Linh được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 736/2020, trong khi đó các dự án đăng ký đầu tư mới phát sinh sau thời điểm quy hoạch, kế hoạch được duyệt, do đó không có trong danh mục quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Mặt khác quy hoạch nông thôn mới các xã chưa được cập nhật hoàn chỉnh nên cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp làm dự án.

Ông Giáp Hà Bắc – Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh trăn trở: Mời được nhà đầu tư đến đã khó nhưng khi doanh nghiệp làm dự án đầu tư gặp vướng mắc vì dự án làm sau quy hoạch của tỉnh. Vì vậy các sở, ngành cho rằng dự án không nằm trong quy hoạch nên không được duyệt… Trong khi đó doanh nghiệp họ có lý do là  khi thấy các dự án ở Tánh Linh phù hợp thì họ mới đầu tư, còn việc linh động của UBND huyện và tỉnh là cập nhật quy hoạch, thay đổi chỉnh sửa quy hoạch phù hợp chủ trương, có lợi cho địa phương và doanh nghiệp thì phải làm nhanh… Ở Tánh Linh đang có thực trạng là đất trồng cao su nhưng chưa được chuyển qua đất công nghiệp vì “dính” trên giấy tờ là đất lâm nghiệp. Nguyên nhân là trước đây đất thuộc lâm trường, dù lâm trường đã giải thể nhưng đất vẫn mang cái “mác” đất lâm nghiệp (đất rừng sản xuất). Vậy nên vấn đề này cũng rất cần tỉnh tháo gỡ để cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Theo ông Bắc: Huyện đang đề nghị các sở, ngành và UBND tỉnh xem xét thống nhất vị trí đầu tư để không làm mất cơ hội đầu tư của huyện và nhà đầu tư sẽ hoàn thành hồ sơ dự án khi kế hoạch và quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt theo quy định…

Trần Thi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tánh Linh: Vướng quy hoạch, nguy cơ nhà đầu tư bỏ đi