Theo dõi trên

Tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp

12/02/2020, 09:25 - Lượt đọc: 99

 BT- Kết thúc năm 2019, tỷ trọng công nghiệp (theo giá hiện hành) của địa phương đã chiếm tỷ trọng 31,14% trong GRDP, trong khi mục tiêu đề ra năm 2030 là 36%. Kết quả đó là nhờ Bình Thuận luôn quan tâm tạo môi trường thuận lợi để phát triển công nghiệp…

                
      
Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để    giảm dần sản phẩm gia công đối với ngành may mặc, da giày... là định    hướng của địa phương trong thời gian tới.

Hướng đến khai thác hiệu quả và bền vững, thời gian qua Bình Thuận đã tập trung kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp phù hợp điều kiện, lợi thế của địa phương. Thực tế cho thấy ở lĩnh vực công nghiệp năng lượng tái tạo như điện gió (ven bờ và xa bờ), điện mặt trời đang thu hút nhiều nhà đầu tư đưa dự án quy mô lớn về địa phương. Hiện tỉnh cũng khuyến khích phát triển công nghiệp bảo quản sau thu hoạch, công nghiệp chế biến theo hướng tăng sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao. Trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, sản phẩm lợi thế của Bình Thuận và thu hút phát triển công nghiệp phụ trợ (ngành may mặc, da giày) nhằm giảm dần sản phẩm gia công…

Để công nghiệp Bình Thuận khẳng định vị trí tương xứng với tiềm năng, tỉnh đã rà soát, bổ sung và điều chỉnh các chính sách ưu đãi đầu tư phát triển cho phù hợp tình hình thực tiễn. Đặc biệt là các chính sách về thuế, tiền sử dụng đất… theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhờ đó ngày càng thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển công nghiệp. Đồng thời, địa phương cũng thực hiện tốt chính sách đột phá tạo lập môi trường khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Mặt khác còn tạo cơ chế thông thoáng trong đầu tư như về đất đai, tài chính, tín dụng, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh… để kêu gọi các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư trên lĩnh vực này.

Riêng trong năm qua, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận đã có bước phát triển mạnh mẽ, thể hiện qua giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt hơn 33.066 tỷ đồng, tăng gần 20% so năm trước đó. Theo nhận xét của Sở Công Thương thì đây là mức tăng trưởng cao nhất trong suốt giai đoạn 2016 - 2019, đáng ghi nhận khi cơ cấu ngành công nghiệp cũng có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Trong đó nhóm ngành sản xuất và phân phối điện - khí đốt - nước nóng - hơi nước - điều hòa không khí có bước phát triển đột phá và vươn lên vị trí dẫn đầu (chiếm 51,08%) cơ cấu ngành công nghiệp địa phương. Tiếp đó, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo chiếm tỷ lệ hơn 46% trong cơ cấu ngành công nghiệp Bình Thuận và hiện là nhóm ngành chủ đạo, tạo động lực dẫn dắt các ngành dịch vụ phát triển theo…

Năm nay, Bình Thuận tiếp tục triển khai các cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển công nghiệp, góp phần hoàn thành chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Theo đó sẽ tập trung thực hiện một số chính sách: Phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, tạo lập môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp, phát triển doanh nghiệp công nghiệp, phát triển nguồn nhân lực công nghiệp, khoa học - công nghệ cho phát triển công nghiệp… Đặc biệt sẽ chú trọng phát triển ngành theo hướng tái cơ cấu kết hợp ứng dụng khoa học - công nghệ, lựa chọn một số ngành để ưu tiên phát triển nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Hoặc các ngành công nghiệp mang ý nghĩa nền tảng, có tác động lan tỏa đến nhiều ngành kinh tế khác, sử dụng công nghệ sạch và thân thiện với môi trường cũng như có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều lao động mà địa phương đang sở hữu lợi thế.

    
  

    Đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

      Sắp tới, Bình Thuận cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài   (FDI) vào công nghiệp theo hướng khuyến khích phát triển công nghiệp bảo   quản sau thu hoạch. Đồng thời phát triển công nghiệp chế biến theo hướng   tăng sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao,   cũng như ngành công nghiệp phụ trợ để giảm dần sản phẩm gia công, tăng   khả năng cạnh tranh của ngành này trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc   tế…

QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp