Theo dõi trên

Tạo năng lực cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp chế biến

12/04/2017, 08:32 - Lượt đọc: 89

BT- Qua kết quả điều tra, những năm gần đây công nghiệp chế biến ở Bình Thuận đã có bước phát triển khá, chiếm xấp xỉ 60% giá trị sản xuất công nghiệp địa phương…

                
Chế biến nước mắm truyền thống cần quan tâm    đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong số sản phẩm công nghiệp chế biến của tỉnh, chế biến thủy sản vẫn được xác định là ngành thế mạnh, tập trung nhiều nhất tại TP. Phan Thiết, thị xã La Gi, huyện Tuy Phong và Phú Quý. Ngành nghề chế biến thủy sản thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, có đóng góp đáng kể kim ngạch xuất khẩu cho Bình Thuận và tạo việc làm cho lượng lớn lao động đánh bắt trên biển và các dịch vụ liên quan. Từ nguồn tài nguyên biển, hoạt động chế biến nước mắm đã được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư máy móc, thiết bị nhằm mở rộng quy mô sản xuất lẫn thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, Bình Thuận còn một số sản phẩm công nghiệp chế biến có tiềm năng, thế mạnh như nước khoáng, nhân hạt điều, thức ăn gia súc, chế biến mủ cao su, đồ gỗ và sản phẩm may mặc.

Tuy nhiên, theo dự báo trong vài năm tới, sản phẩm công nghiệp chế biến của Bình Thuận có thể gặp khó khăn do hạn chế nguồn nguyên liệu. Dễ thấy là các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực chế biến hải sản đang đối mặt với sản lượng sụt giảm mà nguyên nhân xuất phát chính từ nguyên liệu hạn hẹp, thị trường đòi hỏi cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Trong khi đó, doanh nghiệp chế biến nước mắm không những lo cho nguyên liệu đầu vào mà còn phải “căng sức” cạnh tranh với nhiều thương hiệu nổi tiếng khác như Phú Quốc, Nam Ngư, Chinsu… Tương tự vì nguồn nguyên liệu ngày càng ít, sản lượng nhân hạt điều chế biến tăng không nhiều như kỳ vọng, chủ yếu tập trung ở Công ty TNHH Rals Việt Nam - Chi nhánh Bình Thuận. Hoạt động chế biến mủ cao su gặp khó do giá xuất khẩu giảm, còn sản xuất đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu từ nơi khác.

Đứng trước cơ hội và thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp chế biến là xu hướng tất yếu. Trong báo cáo điều tra năng lực sản xuất một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2014 - 2016 (do Sở Công Thương phối hợp Cục Thống kê thực hiện) cũng đã đề cập vấn đề này. Đồng thời còn đưa ra những giải pháp đối với công nghiệp chế biến từ các loại cây trồng, con nuôi có lợi thế phải gắn xây dựng phát triển bền vững vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh, quy mô lớn. Mặt khác tăng cường khuyến khích, vận động doanh nghiệp chế biến đẩy mạnh đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và liên kết với các cơ sở sản xuất nguyên liệu để bao tiêu sản phẩm.

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp chế biến, Bình Thuận cũng cần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như công nghiệp bảo quản sau thu hoạch. Qua đó góp phần đưa ngành đóng, sửa tàu thuyền phục vụ đánh bắt xa bờ ở địa phương từng bước phát triển tương xứng, thu hút thêm nhiều dự án đầu tư có hàm lượng khoa học - công nghệ cao trong chế biến các sản phẩm lợi thế. Đặc biệt hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp định hướng mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị để nâng dần chất lượng và giá trị sản phẩm chế biến. Nhất là với những sản phẩm mới có tiềm năng phát triển tại Bình Thuận như sản xuất giày dép xuất khẩu, chế biến sản phẩm từ trái thanh long (rượu, nước ép, sấy khô, sấy dẻo), sản phẩm chế biến từ mủ trôm…

 Đ.QUỐC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tạo năng lực cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp chế biến