Theo dõi trên

“Tàu 67” còn nhiều điều phải lo

03/10/2017, 09:02

BT- Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 31/7/2017, cả nước có 761 tàu cá được đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ; có 105 tàu cá được hoán cải, nâng cấp. Lực lượng này góp phần nâng cao đáng kể năng lực đánh bắt xa bờ.

                
“Tàu 67” của anh Châu Minh Cương - Phú Quý.    Ảnh: Q.N

Tuy nhiên, một trong những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị định 67 là ngư dân rất khó tiếp cận vốn vay của các ngân hàng thương mại. Đến nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt danh sách đóng mới 184 chiếc, trong đó gồm 154 chiếc đóng mới. Trong 154 chiếc phê duyệt đóng mới có 107 chiếc vỏ gỗ, 29 chiếc vỏ thép và 18 chiếc vỏ composite. Hiện đã có 95 tàu được ngân hàng cam kết cho vay, chủ tàu đã ký hợp đồng tín dụng với số tiền 732 tỷ đồng. Đã giải ngân 657 tỷ đồng để đóng mới, nâng cấp 95 tàu. Có 84 chiếc tàu đóng mới, 5 chiếc tàu nâng cấp bằng nguồn vốn vay ngân hàng theo Nghị định 67 đã hoàn thành, hạ thủy đi vào hoạt động sản xuất. Và Bình Thuận đang dẫn đầu cả nước về số lượng đóng mới “tàu 67” nhằm hỗ trợ cho ngư dân có điều kiện phục vụ hoạt động đánh bắt xa bờ, góp phần cải thiện đời sống. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, hiện nay ngoài Ngân hàng Agribank tiến hành cho ngư dân vay vốn đóng tàu, thì những ngân hàng thương mại vẫn còn “ngại” tham gia.

Còn nhớ, những năm 1995 - 1997, khi thực hiện chủ trương đầu tư tàu cá xa bờ, đã có một không khí thực sự sôi động trong nghề cá cả nước. Bởi chủ trương hợp lòng dân; có tính đột phá trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam đang đi ra từ bao cấp. Lượng tàu xa bờ tăng mạnh. Hệ thống cầu cảng, bến cá ven bờ, trên đảo được tập trung đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do phương cách tổ chức hoạt động chưa tốt, nhiều dự án thua lỗ. Từ giữa năm 2000, nhằm “cắt lỗ”, Bộ Thủy sản lúc đó chỉ đạo các địa phương thực hiện chuyển chủ sở hữu và bán lại các tàu cá thua lỗ. Có khoảng 200 tàu được chuyển nhượng, nhưng giá chuyển nhượng chỉ còn khoảng 30% giá trị ban đầu của con tàu. Phải chăng, đây chính là nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng thương mại ngại cho ngư dân vay theo Nghị định 67?

Câu chuyện về tiếp cận vốn theo Nghị định 67 của ngư dân hiện đang là vấn đề lớn, cần có định hướng, giải pháp cụ thể. Chương trình đánh bắt xa bờ trước đây được đánh giá là chưa thành công như mong muốn nhưng đã đem lại nhiều bài học hết sức sâu sắc, trong đó có những câu chuyện về vốn, về chính sách ưu đãi... Và việc những con tàu hình thành không đảm bảo chất lượng, không đạt yêu cầu trong hợp đồng cũng là điều đáng quan tâm. Những con tàu vỏ thép hàng chục tỷ đồng ở một số tỉnh miền Trung bị sự cố sau 1 - 2 chuyến ra khơi càng làm những ngư dân sống chết vì biển cảm thấy hụt hẫng và chông chênh. Để những con tàu thực sự có chất lượng, bên cạnh giải quyết những vấn đề về vốn, thực hiện Nghị định 67 cần phải chặt chẽ hơn, chu đáo hơn, và quy trình giám sát, kiểm tra tàu đóng mới phải bảo đảm tính công khai, minh bạch về trách nhiệm của các bên để hạn chế tối đa sự cố nêu trên.

Mỗi con tàu xa bờ vươn khơi mang theo nhiều khát vọng, không chỉ có làm giàu từ biển, mạnh lên từ biển mà còn thể hiện tinh thần kiên cường, quyết giữ gìn bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc. Do vậy, mỗi một con tàu xa bờ là cả một khối kết tinh lương tâm và trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi con người trong từng phần việc cụ thể. Để giúp Bình Thuận tiếp tục phát triển khai thác thủy sản theo hướng xa bờ và bền vững theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét bổ sung chỉ tiêu cho tỉnh Bình Thuận thêm 50 chiếc đóng mới, góp phần quan trọng vào việc tái cơ cấu ngành khai thác thủy sản và tổ chức lại sản xuất trên biển. Hy vọng rằng đội “tàu 67” của Bình Thuận không chỉ tăng về số lượng mà cũng đi đầu cả nước về chất lượng và hiệu quả khai thác trong thời gian tới.

MINH VÂN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Tàu 67” còn nhiều điều phải lo