Theo dõi trên

Thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Thuận

17/04/2017, 08:34

BT- “Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao” là cụm từ gần đây được nhiều người, nhiều địa phương nhắc đến. Tại Bình Thuận, dù lĩnh vực này còn khá mới mẻ nhưng đã cho thấy sự nổi bật về tính hiện đại, hiệu quả của nó. Một trong số đó là mô hình trồng thanh long leo giàn, theo hướng công nghệ cao tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình.

                       
Mô hình thanh long giàn, theo hướng ƯDNNCNC    tại xã Hòa Thắng.

Năng suất gấp đôi trồng truyền thống

Vùng đất cát khu Lê những ngày hè càng trở nên vàng rực, nóng rát dưới cái nắng hanh hao. Ở nơi này, phần lớn diện tích đất còn bỏ trống. Nhưng khi tiến sâu hơn vào phía trong, chúng tôi chợt ngỡ ngàng trước một khu trồng thử nghiệm nhiều loại cây  trái như ổi, mãng cầu, đinh lăng, thanh long theo hướng hiện đại. Nhưng ấn tượng với tôi nhất đó là 1,5 ha thanh long trồng theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Chủ dự án là ông Phạm Văn Minh - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Đông Á - đây là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) 2.000 ha của huyện Bắc Bình. Theo lời ông Minh giới thiệu, diện tích thanh long này nằm trong dự án với quy mô 60 ha mà ông đã mua của dân cách đây 3 năm.

Hướng ánh nhìn về phía những dãy thanh long đang thì sung sức, cho trái non xanh ngát một màu, chúng tôi được biết diện tích thanh long này đang chong đèn mùa thứ 2. Chúng tôi thắc mắc vì sao khoảng cách trồng giữa 2 hàng lại quá rộng (4 m), trong khi khoảng cách giữa các trụ hầu như không có. Lý giải về điều này, ông Minh cho hay, khoảng cách trồng giữa các hàng rộng nhằm mục đích để dễ dàng đưa máy móc, thiết bị bón phân, tưới nước tự động vào để chăm sóc cây... Riêng khoảng cách giữa các trụ bê tông là 3 m, nhưng ở giữa các trụ có thêm 3 trụ phụ. Theo đó, thanh long sẽ phát triển, leo theo giàn. Theo tính toán, trồng theo hướng công nghệ cao thì 1 ha đất có thể trồng gần 3.000 trụ thanh long, gần gấp 3 lần trồng bình thường. Qua đó, tăng tối đa hiệu quả trên một diện tích, tăng sản phẩm đầu ra. Còn năng suất thanh long đạt bình quân khoảng 60 tấn/ha, gấp đôi bình thường. “Hiệu quả nhất của doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn là cây thanh long. Hiện chúng tôi đã được 1 đối tác bên Úc (Amazonia) chấp nhận là vùng thanh long oganic của họ”- Ông Minh nói.

Lợi thế về đầu tư

Về lợi thế khi chọn vùng đất cát Hòa Thắng làm nơi thực hiện các dự án NNƯDCNC, theo đại diện công ty, vùng đất này từ trước tới nay gần như hoang hóa nên không trồng được cây gì hiệu quả. Công ty đã kiểm tra đất, nước giếng và thấy đáp ứng được 1 trong  những yêu cầu cơ bản để chọn vùng đất này. Yếu tố tiếp theo là nền hạ vùng đất này 100% là cát, rất thích hợp đưa máy móc để trồng, thu hoạch. Đặc biệt là khí hậu tại huyện Bắc Bình có cường độ nắng, nhiệt độ chênh lệch ngày và đêm cao. Đây là yếu tố góp phần làm cho củ quả có tinh bột cao nhất, có độ ngon và ngọt thanh nhất. Một trong những yếu tố thuận lợi nữa là hiện nay dự án cấp nước khu Lê Hồng Phong đã hoàn thành và có kênh nước đi qua khu vực này. Từ đó, vấn đề nước sẽ được giải quyết và sẽ phát huy được lợi thế cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Để phát triển ngành nông nghiệp Bình Thuận vững chắc, có khả năng cạnh tranh và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và phù hợp với yêu cầu của thị trường, Bình Thuận xác định phát triển sản xuất NNƯDCNC là xu hướng tất yếu, nhằm tạo bước đột phá để nâng cao cạnh tranh của nền nông nghiệp địa phương trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, hoạt động ƯDCNC trong nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn như vốn đầu tư, nhân lực, hạn chế về khoa học công nghệ, thiếu các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất manh mún nhỏ lẻ… Do đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất NNƯDCNC một cách toàn diện, phù hợp, UBND tỉnh đã xây dựng đề án phát triển NNƯDCNC tỉnh Bình Thuận đến năm 2020. Đồng thời đề xuất với Bộ Nông nghiệp & PTNT; Thủ tướng Chính phủ thành lập Khu NNƯDCNC Lê Hồng Phong tại huyện Bắc Bình với diện tích 2.000 ha.

Về phía Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Đông Á,ông Minh cho biết, doanh nghiệp đã được các lãnh đạo tỉnh, huyện Bắc Bình thường xuyên thăm quan mô hình và động viên. Đặc biệt, Sở Nông nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ đang phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp tìm phương án để khai thác hiệu quả kênh mương nước sắp đi vào sử dụng. Thời gian tới, mục tiêu chính của công ty là phải ứng dụng được khoa học công nghệ cao vào sản xuất, tức là phải nâng cao giá trị sử dụng đất lên từ 2 - 8 lần so với truyền thống. Song song đó, doanh nghiệp sẽ dồn nhiều thửa đất lại quy mô 30 - 50 ha để tiện cho việc đưa máy móc thiết bị vào trồng và thu hoạch nông sản. Doanh nghiệp sẽ tập trung vào những loại cây có giá trị kinh tế cao như cây thanh long, dưa lưới, cây mãng cầu và rau sạch.

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Thuận