Theo dõi trên

Thanh long bình ổn nhưng không nên chủ quan

03/07/2018, 08:58

BT- Bình Thuận, thủ phủ thanh long đang vào mùa. Nhiều vựa thanh long mấy ngày nay hoạt động liên tục. Đó là tín hiệu đáng mừng.

Diện tích tăng

Diện tích thanh long hiện nay toàn tỉnh là 27.757 ha, tăng 17.095 ha so năm 2008 và tăng 726 ha so năm 2016. Sản lượng thu hoạch đạt 540.252 tấn, tăng 304.184 tấn so năm 2008 và tăng 22.127 tấn so năm 2016; năng suất đạt 21 tấn/ha. Trong đó, sản lượng hợp tác xã tiêu thụ cho bà con nông dân khoảng 3.000 tấn. Như vậy, từ năm 2008 đến năm 2017, diện tích thanh long Bình Thuận tăng liên tục, sau 10 năm đã tăng trên 308%, sản lượng tăng trên 376%. Tuy nhiên, về năng suất trung bình trên đơn vị một ha không tăng mà giảm dần. Nguyên nhân là do khai thác quá mức dẫn đến suy giảm sức chống chịu của cây, sâu bệnh hại tấn công, đặc biệt là bệnh đốm nâu làm giảm khả năng nuôi chồi, nên người dân giảm khai thác lứa trái vụ mùa (vào mùa mưa) dẫn đến năng suất giảm.

Theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, Bình Thuận phát triển diện tích 30.000 ha. Nhưng chỉ có 23 hợp tác xã và 2 liên hiệp sản xuất và chế biến thanh long. Các hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ thanh long từng bước tìm kiếm thị trường, giải quyết được một phần đầu ra cho sản phẩm thanh long, điển hình là Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến, Hợp tác xã thanh long hữu cơ Phú Hội, Hợp tác xã thanh long Hàm Đức, Hợp tác xã thanh long Nam Thuận Việt, Hợp tác xã thanh long Hòa Lệ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hợp tác xã khó khăn do thiếu vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, số lượng thành viên ít, quy mô sản xuất nhỏ nên việc thực hiện các khâu dịch vụ còn hạn chế, đặc biệt là các hợp tác xã thành lập sau khi có Luật Hợp tác xã năm 2012.

Tiêu thụ

Việc tiêu thụ hiện còn nhiều bất cập, chủ yếu là tiêu thụ theo kênh phân phối truyền thống qua nhiều trung gian, người nông dân tự sản xuất và tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Giao dịch giữa nông dân với người thu mua đều thỏa thuận bằng miệng, không có hợp đồng. Quan hệ mua bán không bền vững, thường bị chi phối bởi thị trường, người sản xuất bị chi phối bởi thương lái (người thu mua) trong việc quyết định giá cả và tiêu thụ sản phẩm. Đây là một trong những tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của thanh long Bình Thuận trên thị trường.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Dự án Phát triển Hợp tác xã Việt Nam (Dự án VCED) được Bộ Toàn cầu Canada tài trợ vận động và thành lập Hợp tác xã Thanh Bình với hơn 300 xã viên. Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đang xây dựng đề án mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thanh long trong kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025. Phối hợp hỗ trợ các hợp tác xã tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường. Hiện nay, sản lượng thanh long cung cấp cho thị trường nội địa (ước khoảng 15%); xuất khẩu chính ngạch khoảng 2%; sản lượng còn lại chủ yếu mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc và bán cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh để xuất khẩu.

Tuy nhiên, thanh long “ăn” là nhờ xuất khẩu chính ngạch trong năm 2017, có 7 doanh nghiệp của tỉnh xuất khẩu chính ngạch 4.483,3 tấn thanh long, đạt kim ngạch xuất khẩu 7,15 triệu USD, đơn giá xuất khẩu bình quân đạt 1.595 USD/tấn. Trong 5 tháng đầu năm 2018, có 5 doanh nghiệp của tỉnh (giảm 2 so cùng kỳ) xuất khẩu chính ngạch 2.402 tấn thanh long, đạt kim ngạch xuất khẩu 3,5 triệu USD, đơn giá xuất khẩu bình quân đạt 1.458 USD/tấn.

Về xuất khẩu theo hình thức biên mậu, từ đầu năm 2018, hoạt động xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc vẫn bình thường, không bị ùn tắc. Tuy nhiên, số lượng thanh long xuất khẩu qua các cặp cửa khẩu ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc sụt giảm so trước đây, do tác động từ quy định truy xuất nguồn gốc rau quả của tỉnh Quảng Tây. Do vậy, lượng thanh long xuất qua cửa khẩu tỉnh Lào Cai tăng lên rất nhiều. Như vậy sau những lo toan của nông dân, thì đến thời điểm này hoạt động sản xuất thanh long chưa có biến động lớn, vẫn duy trì như trước đến nay. Nhưng đối với những thị trường xuất khẩu theo hình thức biên mậu, vẫn tiềm ẩn những nguy cơ mà các doanh nghiệp cần phải thận trọng hơn nữa.

QUANG NHÂN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh long bình ổn nhưng không nên chủ quan