Theo dõi trên

Thanh long Bình Thuận và thương lái Trung Quốc: Không chỉ là chuyện làm ăn…!

22/01/2018, 08:59 - Lượt đọc: 114

BT- Vụ vựa thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc, bị thương lái Trung Quốc nợ hơn 2,5 tỷ đồng tiền mua thanh long, một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về rủi ro khi buôn bán với thương lái Trung Quốc.

                
   Thương lái Trung Quốc đang thao túng thị    trường thanh long.

Chiêu cũ

Mánh lới mà các thương lái Trung Quốc nợ tiền ở vựa thanh long B vừa qua không mới. Cách thức thương lái Trung Quốc áp dụng thường theo mô típ chung là: Đặt mua sản phẩm, đặt hàng liên tục với số lượng lớn, thanh toán nhỏ giọt rồi tiến đến xù nợ. Với chiêu thức này, thương lái Trung Quốc đang khiến cả chủ và người lao động ở vựa thanh long B lao đao. Ngày 29/11/2017, 3 thương lái tự xưng là nhân viên một công ty tại Trung Quốc tới vựa thanh long ở Hàm Thuận Bắc để khảo sát và thu mua thanh long. Sau đó nhóm thương lái đồng ý mua thanh long của vựa B và tiến hành ký hợp đồng với số tiền cọc là 680 triệu đồng nhưng không giao tiền mặt.

Hợp đồng mua bán bị các đối tượng lấy đi với lý do: Mang về cho Giám đốc Công ty ký rồi sẽ mang trả lại. Khi 6 chuyến hàng đầu tiên được giao dịch, vựa thanh long B chỉ được Công ty bên Trung Quốc thanh toán 340 triệu đồng, số còn lại bị nợ. Sau đó, phía thương lái Trung Quốc đề nghị thực hiện một hợp đồng khác với yêu cầu mỗi ngày vựa B phải xuất cho công ty phía Trung Quốc  2 container thanh long. Sau khi xuất liên tục 26 container thanh long, Công ty phía Trung Quốc đã nợ vựa thanh long B gần 2,8 tỷ đồng. Cũng với cách thức tương tự, vào tháng 7/2012, thương lái Trung Quốc đã khiến 21 hộ dân chế biến cá cơm ở Mũi Né – TP. Phan Thiết lao đao, thậm chí có người phải phá sản, trắng tay vì bị nợ. Và trong tất cả các hợp đồng mua bán chỉ được thương lái Trung Quốc thanh toán từ 30 - 50%, số còn lại là nợ.

Chiêu thức đặt hàng liên tục rồi thanh toán nhỏ giọt, chỉ là một trong nhiều cách để thương lái Trung Quốc thao túng thị trường nông sản Việt Nam. Tại Bình Thuận, thương lái Trung Quốc với những mánh lới kinh doanh đang dần “chiếm quyền xuất khẩu” trái thanh long. Và cái mất lớn nhất không chỉ là tiền bạc mà là đầu ra của loại trái cây nổi tiếng. 

Thao túng giá cả

Với mặt hàng thanh long, thương lái Trung Quốc sử dụng những chiêu thức tinh vi hơn, không “bóp chết” mà biến các doanh nghiệp Bình Thuận thành sân sau, thành bình phong để quyết định giá cả thị trường. Những năm 2011 – 2012, phong trào mở vựa thanh long phát triển ồ ạt. Có những nông dân trúng vài vụ thanh long chong đèn đã có vốn nên họ bắt đầu mở vựa thu mua. Thậm chí có chủ vựa xuất thân là “cò” thanh long, ít kinh nghiệm buôn bán cũng liều mở vựa. Vốn không có, họ chấp nhận mang tài sản thế chấp ngân hàng để đầu tư nhà xưởng, kho lạnh nhiều tỷ đồng. Biết được “điểm yếu” này, thương lái Trung Quốc đã tung chiêu đặt hàng với số lượng lớn, liên tục trong một thời gian. Số lượng đặt hàng bao giờ cũng vượt khả năng của doanh nghiệp Bình Thuận dẫn đến tâm lý muốn mở rộng nhà xưởng, đầu tư mua xe để đáp ứng nhu cầu bạn hàng. Nhưng khi chủ vựa đã “dốc hết hầu bao” vào mở rộng sản xuất, cũng là lúc thương lái Trung Quốc dừng mua, hạ giá với hàng loạt lý do như hàng kém chất lượng, trái cây vào mùa nhiều… Khi đó, chủ vựa chỉ còn hai lựa chọn hoặc bán vựa cho chính thương lái Trung Quốc đã đặt hàng trước đây hoặc chấp nhận làm “vệ tinh” gom hàng. 2 năm 2014 – 2015, thương lái Trung Quốc đã biến rất nhiều doanh nghiệp Bình Thuận thành “sân sau” và đây cũng là lúc giá thanh long bắt đầu “nhảy múa”.

3 năm trở lại đây, giá thanh long Bình Thuận đi ngược quy luật: Hàng mùa có giá cao hơn hàng chong đèn. Chưa bao giờ người dân Bình Thuận lại hồi hộp bán thanh long như hiện nay. Sáng sớm mua giá xô 6.000 đồng/kg, nhưng chỉ đến 10h sáng là giá giảm còn 3.000 – 4.000 đồng/kg. Việc giá lên xuống bất thường của thanh long khiến người dân “ngán ngẩm”, không còn tâm lý chờ giá cao rồi bán như những năm trước. “Với những hộ có vài trăm kg thanh long thì “cò” người Việt chủ động quyết định giá cả. Với những vườn thanh long lên đến vài tấn thì  thương lái Việt dẫn đường cho thương lái Trung Quốc định giá”, anh T, một người dân trồng thanh long cho biết. Không chỉ quyết định giá mà thương lái Trung Quốc còn tung nhiều chiêu để qua mặt dư luận.

Từ đầu vụ chong đèn năm 2017 đến nay, giá niêm yết ở các vựa thu mua thanh long đều ở mức trên 10.000 đồng/kg với hàng xuất khẩu. Nhưng đó chỉ là bề nổi, để được mua giá hàng xuất khẩu, thương lái còn đặt ra những tiêu chuẩn “trên trời” như: 80% số trái phải đạt từ 500g/trái trở lên. Toàn bộ số trái trong vườn không được lem, không bị sâu bệnh. “Với tiêu chí mà thương lái đưa ra thì hầu như không vườn thanh long nào đáp ứng được, bởi hiện nay sâu bệnh quá nhiều cộng với nhiều năm canh tác cây thanh long già cỗi, năng suất không cao như trước. Nếu không đáp ứng được thì giá hạ xuống chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng/kg. Cá biệt vào cuối tháng 10 đầu tháng 11/2017, giá thanh long chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg, ông Lê Văn Tuấn, một người trồng thanh long ở xã Hàm Chính (huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết.

Việc thao túng thị trường thanh long Bình Thuận của thương lái Trung Quốc đã được rất nhiều cơ quan chuyên môn, báo chí cảnh báo, nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Khi mà sự liên kết giữa các cơ quan, ban ngành và nông dân, doanh nghiệp còn yếu, thì không thể phối hợp hoạt động hiệu quả để chống lại sự thao túng thị trường của thương lái Trung Quốc.

 Mai Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh long Bình Thuận và thương lái Trung Quốc: Không chỉ là chuyện làm ăn…!