Theo dõi trên

Thanh long sạch cho đầu ra ổn định

16/10/2018, 08:22

BT- Trong những năm gần đây, người trồng thanh long trong tỉnh đã làm quen thực hành sản xuất nông nghiệp tốt với cây trồng lợi thế này theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận thanh long VietGAP được 9.859 ha/9.800 ha kế hoạch (đạt 100,6%). Trong đó, huyện Hàm Thuận Nam đã chiếm hơn một nửa diện tích trồng theo tiêu chuẩn trên.

                
Trang trại rau quả Bình Thuận chọn hàng    xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT Hàm Thuận Nam cho biết, với sự chỉ đạo của UBND huyện, quyết tâm cao Ban chỉ đạo các cấp, đồng thuận nhân dân, đến nay toàn huyện có 5.200 ha/3.300 hộ/195 tổ, nhóm, trang trại tham gia sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, chiếm 40% diện tích thanh long trên địa bàn huyện (12.373 ha). Với diện tích 5.200 ha thanh long Hàm Thuận Nam sản xuất theo hướng bền vững VietGAP, mỗi năm có trên 150.000 tấn thanh long đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cung cấp thị trường trong, ngoài nước. Không ít trang trại thanh long VietGAP ở huyện này xúc tiến liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, hay chế biến rượu vang của cơ sở, đã cho đầu ra ổn định ngay trong thời điểm mặt hàng này rớt giá thời gian qua, với giá bán 8.000 - 10.000 đồng/kg.

Cùng với đó, một số trang trại thanh long khác ở Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc thực hiện sản xuất theo quy trình GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) để có thể xuất khẩu qua các thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản... Điển hình như Trang trại thanh long rau quả Bình Thuận tại xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam với diện tích trên 20 ha đã cho thu hoạch sản lượng mỗi năm gần 500 tấn. Phần lớn được xuất khẩu chính ngạch qua thị trường châu Âu và các nước khác. Thanh long trang trại trên được các thị trường khó tính đón nhận nhờ trồng theo quy trình GlobalGAP, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu…  Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến ở Hàm Liêm, Hàm Thuận Bắc từ sản xuất VietGAP có cơ sở để thực hiện tiêu chuẩn GlobalGAP và đã được cấp chứng chỉ này; thông qua dự án MUTRAP do Liên minh châu Âu tài trợ. Hiện Hợp tác xã Thuận Tiến sở hữu 34 ha thanh long sạch. Từ đầu mỗi mùa vụ, đơn vị này ký hợp đồng thu mua nông sản các thành viên với mức giá ổn định theo đơn hàng đối tác, trị giá 1 kg thanh long hơn 1 USD. Khi thanh long của thành viên chín, hợp tác xã cho kiểm tra các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch, đóng gói xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết thêm, các thành viên ban chỉ đạo, tổ tư vấn VietGAP huyện phối hợp tích cực với 11 xã trong chương trình, hướng dẫn các tổ, nhóm đăng ký mới, đến hạn tái cấp, như: ghi chép nhật ký, thực hành trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP để được chứng nhận. Gắn chương trình này một cách bền vững với quá trình xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, các thành viên ban chỉ đạo huyện, xã, ban điều hành tổ, nhóm trong thôn, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có tham gia trồng thanh long đi đầu thực hiện chương trình này. đồng thời vận động người trồng thanh long, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất kinh doanh thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng thực hiện thanh long an toàn bền vững, tự giác tham gia sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới GlobalGAP, cũng như thu mua sản phẩm đảm bảo chất lượng. 

    
  

  Làm thay   đổi tập quán canh tác

      “Việc   sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP có ý nghĩa quan   trọng, nhất là làm thay đổi tập quán canh tác của nông dân. Bởi ngoài   việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, bà con còn   được huấn luyện ý thức kỷ luật, ý thức về môi trường, tính cộng đồng, ý   thức gắn kết trách nhiệm đối với sản phẩm mình sản xuất”. (TS.Nguyễn   Trịnh Nhất Hằng, Trưởng bộ môn kỹ thuật canh tác, Viện Cây ăn quả miền   Nam).

T. Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh long sạch cho đầu ra ổn định