Theo dõi trên

Thí điểm trồng ớt ở Sông Bình: Cần có đầu ra ổn định

29/10/2018, 10:32

BT- Trong năm 2018, Dự án Hợp tác kỹ thuật phát triển nông nghiệp vùng tưới Phan Rí - Phan Thiết (PR - PT) giai đoạn 2 đã cung cấp giống ớt cho một số hộ dân trên địa bàn xã Sông Bình đăng ký trồng. Đồng thời xúc tiến vấn đề hợp đồng bao tiêu nông sản cho các hộ tham gia mô hình này…

 Phù hợp thổ nhưỡng

Ông Võ Thắng Đạm ở thôn Tân Hòa, xã Sông Bình (Bắc Bình) là 1 trong 6 hộ dân trên địa bàn đang tham gia mô hình trồng ớt do dự án PR - PT hỗ trợ giống. Đến thời điểm này, gia đình ông Đạm có 500 m2 trên đất nhà để trồng loại cây này. Đây là diện tích trước đó trồng mì nhưng không hiệu quả, dù chưa đến thời điểm thu hoạch, nhưng nhìn bạt ngàn cây ớt tươi tốt, đậu trái dày đặc ông rất phấn khởi.

Còn anh Dương Xuân Duẩn cùng thôn hiện đang đầu tư 4.000 m2 với 9.000 cây ớt đỏ (trừ số giống được hỗ trợ, gia đình đầu tư khoảng 15 triệu đồng). Thời điểm chúng tôi đến thăm tại vườn, vợ chồng anh đang tập trung thu hoạch 5.000 cây ớt, mỗi ngày thu được khoảng 25 kg. Anh Duẩn chia sẻ, vào thời điểm này năm ngoái, giá ớt tươi bỏ mối tại chợ Lương Sơn khoảng 15.000 đồng/kg, nhưng năm nay được mùa nên giá bán chỉ còn 12.000 đồng/kg. Với kinh nghiệm trồng ớt, anh Duẩn tính toán: Trước đây diện tích đất của gia đình đều trồng mì nhưng không hiệu quả, nên nhờ hỗ trợ của dự án đã chuyển qua cây ớt, bước đầu cho thấy loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương, đạt năng suất cao.  

Tìm đầu ra

Tại hội thảo định kỳ diễn ra ngay tại khu thí điểm mới đây, chúng tôi thấy sự có mặt của ông Lê Quang Thành Liêm - Chủ tịch HĐQT Công ty CP ĐT&SX nông sản Trình Nhi (Lâm Đồng). Trao đổi với nông dân trồng ớt tại Sông Bình, ông  Liêm cho biết sẽ sẵn sàng thu mua hết sản phẩm ớt cho bà con trong dự án với giá thị trường. Về phía Trường Đại học Đà Lạt, ông Nguyễn Khoa Trưởng - Phó trưởng Khoa Sinh học (đơn vị thực hiện thí điểm) giới thiệu: Đây là doanh nghiệp chuyên chế biến và xuất khẩu nông sản tại Lâm Đồng, được đơn vị giới thiệu và kết nối với nông dân mà không qua trung gian. Qua đó, bà con trồng ớt sẽ không lo đầu ra sản phẩm nếu mở rộng diện tích. Về phía nông dân trồng ớt ở địa phương, chị Phạm Thị Thanh Liêm bộc bạch: Nếu có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm thì quá tốt, tuy nhiên bà con mong muốn được doanh nghiệp thu mua với mức giá ổn định. Còn hiện tại, việc thu mua theo giá thị trường vẫn khá bấp bênh, chủ yếu lượng hàng ít nên bà con bỏ mối ở các chợ trên địa bàn.

Theo ông Ngô Minh Trang - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án phát triển nông nghiệp vùng tưới PR -PT (giai đoạn 2): Dự án Hợp tác kỹ thuật phát triển nông nghiệp vùng tưới PR - PT giai đoạn 2 được triển khai trên địa bàn tỉnh từ tháng 3/2016, nhằm xây dựng cơ chế quản lý, điều tiết nước có hiệu quả, triển khai mô hình phát triển nông nghiệp có tưới trên cây trồng cạn. Theo đó, ở khu thí điểm 2 (xã Sông Bình), dự án tiếp tục ký hợp đồng lần 2 với Trường ĐH Đà Lạt để triển khai canh tác trên ruộng thử nghiệm của dự án. Trong thời gian triển khai dự án, Ban quản lý dự án đánh giá cây ớt thích nghi với điều kiện của khu thí điểm. Do đó trong năm 2018, Dự án tiến hành cung cấp giống ớt cho một số hộ có quan tâm, đăng ký trồng ớt. Đồng thời xúc tiến vấn đề hợp đồng bao tiêu nông sản cho các hộ tham gia mô hình trồng ớt. Trường Đại học Đà Lạt là đơn vị đang thực hiện gói thầu canh tác của dự án có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật trồng ớt cho các hộ có mô hình. Mặt khác, do thị trường tiêu thụ tại vùng lân cận khu thí điểm có quy mô nhỏ nên trường hợp ớt chín thu hoạch đồng loạt sẽ làm giá rớt mạnh. Vì vậy, với mục đích giúp người dân hiểu rõ hơn về vai trò của bao tiêu nông sản, việc công ty thu mua ớt do Trường Đại học Đà Lạt giới thiệu tham dự hội thảo định kỳ đã tạo cơ hội, trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp và người dân, nhằm đặt nền tảng cho sản xuất nông nghiệp tương ứng với nhu cầu thị trường, khơi dậy tiềm năng trồng ớt tại địa phương.              

 Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thí điểm trồng ớt ở Sông Bình: Cần có đầu ra ổn định