Theo dõi trên

Thông tư… kỳ lạ!

20/03/2019, 08:46

BT- Trong khi câu chuyện dự thảo tiêu chuẩn nước mắm còn chưa kịp “nguội”, thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) lại tiếp tục khiến dư luận “nổi sóng” khi ban hành Thông tư 02 “ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam” không liệt kê nhiều loại thức ăn chăn nuôi mà nhiều đời nay người dân vẫn sử dụng để nuôi lợn, gà, vịt…

 Không sát thực tế

         
      Theo    “danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu    hành”, có 18 loại sản phẩm thức ăn chăn nuôi được Bộ Nông nghiệp &    PTNT cho phép lưu hành gồm: ngô, thóc, lúa mì, khoai, gluten, đậu    tương, khô dầu, sắn, hạt các loại, thức ăn thô, phụ phẩm công nghệ    chế biến các loại ngũ cốc, mía, các loại củ, các loại bã, thức ăn có    nguồn gốc thủy sản, thức ăn có nguồn gốc động vật trên cạn, sữa và    các sản phẩm từ sữa, dầu mỡ, dầu cá. Tuy nhiên, trong danh mục không    có các sản phẩm thức ăn chăn nuôi truyền thống, được sử dụng từ xưa    đến nay như rau củ, bèo, thân chuối…

Hộ ông Nguyễn Văn Toàn (xã Hàm Chính, Hàm Thuận Bắc) đang nuôi 7 con lợn thịt cùng khoảng 100 con gà. Ngoài nguồn thức ăn cám công nghiệp, ông Toàn cũng tận dụng nguồn bã rượu, các loại rau, củ trong vườn để phụ thêm bữa ăn của đàn lợn, gà như dây khoai lang, cây chuối, các loại lá rau trộn cùng cám gạo để tiết kiệm chi phí. Với việc ăn xen kẽ này, thịt gà ngon hơn so với cám, giá gà bán ra cũng nhỉnh hơn chút đỉnh. Khách mua hàng cũng thường là khách quen, biết được cách chăn nuôi nhà nên yên tâm về chất lượng.  Nên khi nghe có Thông tư 02 quy định danh mục thức ăn chăn nuôi ông ngạc nhiên khi không thấy có tên nhiều loại thức ăn có nguồn gốc từ thực vật mà gia đình vẫn đang sử dụng cho đàn lợn, gà. “Từ xưa đến nay tôi vẫn thường sử dụng những thức ăn rau muống, chuối nuôi lợn… đấy thôi”, ông Toàn nói. Thắc mắc của ông Toàn cũng là thắc mắc của rất nhiều hộ chăn nuôi, bởi tập quán lâu nay của người chăn nuôi vùng nông thôn, chăn nuôi là một kiểu tích lũy, tiết kiệm nên họ thường sử dụng những thức ăn truyền thống vườn nhà không nguy hại để nuôi lợn, gà. Nếu việc sử dụng thức ăn chăn nuôi theo tập quán của người dân có vấn đề gì ảnh hưởng đến xã hội thì Nhà nước hạn chế hoặc cấm dùng loại thức ăn đó. Trong khi danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo quy định của Bộ Nông nghiệp & PTNT thiếu liệt kê những loại thức ăn lâu nay người dân sử dụng là không sát với thực tế đời sống người dân nông thôn.

 Thông tư mặc thông tư?

Đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng, Thông tư 02 chỉ là “văn bản thay thế”, Thông tư số 26/2012/TT-BNNPTNT đã hết hạn, nên chưa kịp “cập nhật” bèo và rau vào danh mục thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm được phép sử dụng và sẽ sớm bổ sung để những loại thức ăn truyền thống như bèo tây, rau các loại... sẽ không còn là các đối tượng bị loại, không được sử dụng nữa. Đại diện Cục Chăn nuôi cũng trấn an người dân rằng, mặc dù trong danh mục thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm được ban hành kèm theo Thông tư 02 không liệt kê các loại rau, bèo... nhưng người chăn nuôi vẫn có thể sử dụng các loại thức ăn truyền thống này một cách bình thường chứ không bị cấm.

Trao đổi vấn đề này, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Thông tư 02 không ảnh hưởng gì đến người chăn nuôi, người chăn nuôi trong tỉnh vẫn có thể nuôi lợn bằng các sản phẩm truyền thống không quy định trong danh mục. Còn các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi khi sản xuất thức ăn phải được kiểm nghiệm chặt chẽ các nhóm nguyên liệu có trong danh mục này”. Tuy nhiên, theo chúng tôi suy nghĩ, dù sao đây vẫn là cách lý giải khiên cưỡng của cơ quan quản lý nhà nước, bởi khi bèo và rau đã không nằm trong danh mục cũng đồng nghĩa với việc không được sử dụng, nếu không thì cần đến danh sách các loại thức ăn được phép sử dụng để làm gì? Nếu thông tư quy định danh mục thức ăn chăn nuôi mà người dân vẫn có thể cho lợn ăn theo cách truyền thống vô hình trung như một sự khuyến khích người dân không tôn trọng các quy định mang tính bắt buộc của cơ quan có thẩm quyền, coi thường pháp luật. Mới đây, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp cho biết, qua kiểm tra và bước đầu thấy rằng Thông tư 02 được Bộ NN-PTNT ban hành ngày 11/2/2019 cần phải xem xét thêm về tính hợp pháp của một số nội dung. Dự kiến ngày 19/3, Cục sẽ làm việc với Bộ NN-PTNT và các bên liên quan về thông tư này.

THANH DUYÊN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thông tư… kỳ lạ!