Theo dõi trên

Thu lợi nhuận từ gió và mặt trời

08/01/2019, 10:14 - Lượt đọc: 18

BT- Việt Nam có tiềm năng lớn trong phát triển điện gió và điện mặt trời, trong đó Bình Thuận là tỉnh được đánh giá có tiềm năng lớn và tốc độ gió cao. Nước ta cũng được đánh giá có mức tiêu thụ điện năng tăng đáng kể. Tốc độ tăng trung bình sản lượng điện của Việt Nam trong những năm gần đây luôn ở mức cao và đạt khoảng 15%/năm. Với tốc độ phát triển nhu cầu về điện tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện nay thì đến năm 2020, nhu cầu về điện sẽ đạt mức 90.000 GWh.

Theo dự báo của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), nếu tốc độ tăng trưởng GDP trung bình tiếp tục duy trì ở mức 7,1%/năm thì nhu cầu về điện của Việt Nam sẽ là 200.00 GWh vào năm 2020 và 327.000 GWh vào năm 2030. Trong khi đó, nếu huy động tối đa các nguồn điện như: thuỷ điện, nhiệt điện thì cũng chỉ ở mức 165GWh vào năm 2020 và 208 GWh vào năm 2030. Với nguồn điện cung cấp như trên nếu không phát triển và khai thác nguồn năng lượng mới thì sẽ đứng trước nguy cơ thiếu điện trầm trọng. Một trong những hướng đi đó chính là việc nghiên cứu, khai thác một dạng năng lượng mới, đó là năng lượng gió và điện mặt trời tham gia vào nguồn cung cấp năng lượng ở nước ta. Ở các nước trên thế giới, việc khai thác năng lượng điện gió và điện mặt trời đã được tiến hành trong nhiều năm qua, đặc biệt là các nước không có lợi thế về thủy điện, nhưng có lợi thế về tiềm năng gió và mặt trời. Đối với tỉnh Bình Thuận, với bờ biển dài hơn 192 km, đây là vùng tiềm năng gió tốt, có một lợi thế rất lớn để phát triển năng lượng điện gió, cộng với đó là mưa ít, nắng nhiều cũng rất lợi thế cho phát triển điện mặt trời. Với những lợi thế trên, việc phát triển các nhà máy điện gió và điện mặt trời ở Bình Thuận là rất khả thi. Có thể nói, trong tình hình khan hiếm điện năng như hiện nay, việc chú ý phát triển năng lượng điện gió, điện mặt trời là một hướng đi đúng, cần đặc biệt quan tâm vì nó ít tác động đến môi trường.

Theo tìm hiểu được biết, trên địa bàn tỉnh hiện đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất đăng ký đầu tư là 1.192,5 MW (công suất dự án theo quy hoạch phát triển điện gió của tỉnh là 665MW) được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu và cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư. Trong 19 dự án, có 12 dự án đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với tổng công suất 507,3 MW, 8 dự án đang hoàn chỉnh hồ sơ theo góp ý của các sở, ban, ngành, địa phương trình xin cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng công suất đăng ký là 727,2 MW (công suất quy hoạch là 270,5MW). Trong 12 dự án đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, đến nay đã có 3 dự án đi vào hoạt động với tổng công suất 60MW, bao gồm: dự án phong điện 1 - Bình Thuận, giai đoạn 1 là 30 MW; dự án điện gió Phú Lạc, giai đoạn 1 là 24 MW và dự án điện gió đảo Phú Quý là 6 MW. Bên cạnh đó còn có 1 dự án đang triển khai thi công đó là dự án điện gió Thuận Nhiên Phong. Đối với dự án điện mặt trời, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 64 dự án điện mặt trời, trong đó có 5 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư chính thức, 2 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư - nguyên tắc, 57 dự án còn lại đang trong giai đoạn khảo sát, lập thủ tục đầu tư và đề nghị Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch phát triển mạng lưới điện lực đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh…

Nếu như các dự án điện gió và điện mặt trời trên địa bàn tỉnh phát huy hết công suất, chắc chắn rằng ngoài việc cung cấp điện năng phục vụ người tiêu dùng, nguồn thu ngân sách của địa phương cũng sẽ tăng cao.

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Nhiều công trình, dự án trọng điểm sẽ được triển khai năm 2024
Chiều 28/3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông và Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 3/2024. Tham dự buổi họp có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan và các cơ quan báo chí của tỉnh, Trung ương thường trú tại Bình Thuận.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thu lợi nhuận từ gió và mặt trời