Theo dõi trên

Tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản chế biến

05/06/2020, 10:32

BT- Ngay thời điểm hiện tại, do tác động của dịch Covid - 19 và mùa thu hoạch rộ các loại trái cây, nên mặt hàng thanh long được bán với giá chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Bối cảnh này càng đặt ra bài toán về công nghệ chế biến và bài toán đầu ra cho nông sản của tỉnh. 

                
   Sơ chế thanh long tại Công ty thanh    long Hoàng Hậu.

Chưa xứng tiềm năng

Bình Thuận được mệnh danh là vùng đất phát triển nông nghiệp đa dạng, nhờ hệ thống thủy lợi rộng khắp. Đó là các loại nông sản đặc thù, sản xuất hàng hóa lớn như thanh long, cao su, điều, lúa. Tuy vậy, lâu nay việc tiêu thụ nông sản nói chung và thanh long nói riêng đang gặp nhiều khó khăn bởi giá cả bấp bênh, hàng hóa dồn ứ.

Thực tế, thanh long Bình Thuận chủ yếu tiêu thụ dạng trái tươi. Trên địa bàn tỉnh có 11 doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch thanh long, thị trường chính là Trung Quốc chiếm khoảng 70% sản lượng, còn lại tiêu thụ nội địa và các nước khác. Ngoài ra, có khoảng 170 cơ sở thu mua, sơ chế đóng gói thanh long và 15 cơ sở chế biến các sản phẩm từ thanh long như rượu, nước ép, siro, mứt, kẹo, thanh long sấy... Trong đó chỉ có 6 cơ sở quy mô tương đối, 9 cơ sở quy mô nhỏ lẻ hoặc đang trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng năng lực chế biến nông sản toàn tỉnh khoảng 24.540 tấn/năm, chiếm khoảng 4,1% tổng sản lượng. Đáng nói, do gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ nên thời gian qua, lượng thanh long đưa vào chế biến hàng năm chỉ đạt 1,3% công suất thiết kế. Cụ thể, năm 2019 lượng thanh long đưa vào chế biến khoảng 322 tấn, chiếm khoảng 0,05% sản lượng thanh long toàn tỉnh. Ngoài ra, có 14 cơ sở áp dụng công nghệ mới sản xuất sản phẩm thanh long, 20 cơ sở đầu tư dây chuyền rửa thanh long bán tự động, có 11 cơ sở nước ép và rượu vang thanh long nhưng quy mô nhỏ, chủ yếu tiêu thụ nội địa. Riêng thanh long sấy khô có 2 cơ sở, với công suất 70 tấn sản phẩm/năm đã xuất khẩu sang Mỹ; thanh long sấy dẻo có 2 cơ sở/300 tấn thành phẩm/năm, nhưng chưa có thị trường xuất khẩu và kẹo thanh long có 1 cơ sở/10 tấn/năm, chủ yếu tiêu thụ nội địa.

Những con số trên cho thấy, thực tế quy mô sản xuất chế biến nông sản của tỉnh còn khá nhỏ. Nhất là các sản phẩm chế biến từ trái thanh long chỉ mới bước đầu sản xuất, cung cấp để thăm dò thị trường, thị hiếu người tiêu dùng.  

Tìm đầu ra

Những năm qua, tỉnh đã chú trọng hơn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản. Đơn cử trong năm 2017, Sở Công Thương đã hỗ trợ Công ty TNHH nước ép Phúc Hà thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất nước ép thanh long ruột đỏ lên men” với kinh phí 200 triệu đồng từ kinh phí khuyến công quốc gia. Đồng thời, hỗ trợ Hợp tác xã thanh long Hàm Đức thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất rượu vang từ trái thanh long” với kinh phí 100 triệu đồng từ kinh phí khuyến công địa phương.

                
   Sản phẩm thanh long sấy.

Đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, thực tế công nghệ chế biến nông sản của tỉnh chưa hiện đại, nhất là sản phẩm chế biến từ thanh long. Mối liên kết các khâu từ sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp còn yếu. Một trong những nguyên nhân chính được xác định là xúc tiến thương mại còn hạn chế, chưa hỗ trợ được nhiều cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Hướng đến mục tiêu tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản chế biến, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã và đang duy trì ổn định các thị trường xuất khẩu truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, châu Âu. Đồng thời tìm kiếm, mở rộng sang các thị trường khác. Nhất là với thanh long, dần chuyển dịch từ thị trường Trung Quốc sang nhiều thị trường mới như Ấn Độ, New Zealand, Úc, Chi Lê… tạo sự đa dạng trong cơ cấu thị trường xuất khẩu.

Giải pháp được đưa ra là tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị, thực hiện liên kết sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ. Hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp nông nghiệp quy mô lớn, đầu tư khép kín từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ, trước hết là vùng sản xuất thanh long tập trung. Mặt khác, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chế biến từ thanh long…

    
      Đến nay đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh khoảng trên 360.000 ha, trong   đó có gần 54.000 ha đất lúa và trên 30.000 ha thanh long với sản lượng   trên 600.000 tấn/năm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thanh long trái tươi   năm 2019, đạt 6,51 triệu USD.

KiỀu HẰng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản chế biến