Theo dõi trên

TP. Phan Thiết: Hàng loạt dự án du lịch bị đề nghị thu hồi, vì sao?

12/06/2017, 09:28

BT- Phan Thiết là thành phố có thế mạnh về du lịch biển, so với toàn tỉnh thì hiện tại địa phương thu hút khoảng 54% trong tổng số dự án đăng ký đầu tư trên lĩnh vực này. Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch - Đầu tư, đến nay trên địa bàn thành phố có 209 dự án du lịch được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 42.625 tỷ đồng. Trong đó 138 dự án (chiếm tỷ lệ 66%) đã triển khai hoàn thành và đưa vào hoạt động kinh doanh, 29 dự án (chiếm xấp xỉ 14%) có tác động triển khai xây dựng, còn lại 42 dự án (chiếm khoảng 20%) chưa khởi động do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

                
      
Hầu hết các dự án đầu tư du lịch trên địa    bàn TP. Phan Thiết khi hoàn thành, đưa vào hoạt động đều đem lại    hiệu quả trong kinh doanh.

Qua tìm hiểu các dự án thuộc diện chưa triển khai xây dựng, được biết phần nhiều trong số đó đang vướng đền bù với 22 dự án, vướng quy hoạch hoặc đang chuyển mục đích sử dụng đất có 8 dự án, do năng lực tài chính 4 dự án, dự án mới cấp quyết định là 8 dự án… Mới đây qua rà soát tình hình thực hiện các dự án trên địa bàn TP. Phan Thiết, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã đề nghị UBND tỉnh đồng ý chủ trương thu hồi 12 dự án. Lý do là vì các dự án này đủ điều kiện triển khai xây dựng nhưng không triển khai, hoặc không tích cực phối hợp địa phương thực hiện công tác đền bù, giải tỏa và để kéo dài thời gian.

Tại phường Mũi Né, dự án KDL Dauphins của Công ty TNHH Hotel Resort Le Royaume Des Dauphins có diện tích 2,55 ha được UBND tỉnh cấp phép đầu tư và cho thuê đất cách đây hơn 13 năm. Dự án đã ký hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh tiến hành giải phóng mặt bằng, song đến nay vẫn chưa thỏa thuận được với dân và chủ đầu tư cũng không chuyển tiền để thực hiện đền bù, giải tỏa. Trên địa bàn Mũi Né còn có 2 dự án: Bến cảng du lịch kết hợp phục vụ du lịch Long Cung (của Công ty TNHH Thanh Loan), Resort nghỉ dưỡng suối nước Long Sơn - Căn hộ nghỉ mát trong nhà cao tầng Thanh Bình (do Công ty TNHH Thương mại - Địa ốc Nam Hoàn Cầu Bình Thuận làm chủ đầu tư) cũng bị đề nghị thu hồi. Hiện các dự án đang vướng đền bù giải tỏa kéo dài, có trường hợp viện dẫn lý do chậm triển khai thiếu thuyết phục, chủ đầu tư không quyết tâm khởi động và năng lực tài chính chưa sẵn sàng để đầu tư.

Ngay trên tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh thuộc phường Hàm Tiến, có đến 4 dự án vừa bị đề nghị thu hồi gồm: Khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp của Công ty CP Địa ốc AA Phan Thiết, dự án Hà Phương của doanh nghiệp cùng tên, KDL Dịch vụ Vạn Tùng do Công ty TNHH TM DV Thuận Điền làm chủ đầu tư, Khu nghỉ dưỡng dành cho người cao tuổi của Công ty CP Du lịch Khách sạn Sài Gòn Mũi Né. Theo sở chức năng, hầu hết các dự án này đều được cấp giấy chứng nhận đầu tư khá lâu nhưng chưa thực hiện xong việc đền bù, giải tỏa và chủ đầu tư chưa tích cực trong thực hiện dự án. Cá biệt có dự án quy mô diện tích nhỏ (chỉ 0,3 ha), dù được UBND tỉnh cho chuyển mục đích sử dụng đất từ cây lâu năm sang đất sản xuất kinh doanh, vậy mà đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện…

Nằm trong danh sách bị đề nghị thu hồi còn có dự án KDL Công viên Cá Heo (của doanh nghiệp cùng tên) tại phường Phú Hài, đã qua 13 năm vẫn chưa thể khởi động vì quá trình bồi thường kéo dài. Tương tự là KDL Hoa Lan Biển (thuộc Công ty TNHH Thành Đạt) có diện tích gần 1,6 ha, theo nhận xét sở chức năng thì chủ đầu tư chưa tích cực trong việc đền bù, giải tỏa để triển khai dự án. Trong khi đó dự án KDL Anh Vũ (của Công ty TNHH Anh Vũ) dù đã san lấp mặt bằng, xây dựng tường rào nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất cho Nhà nước… Riêng tại xã Tiến Thành, dự án Khu phức hợp du lịch Đồi Bạch Dương đã gần 7 năm sau khi được chấp thuận đầu tư cũng chưa thực hiện xong đền bù, giải tỏa và chưa lập thủ tục thuê đất. Với dự án KDL Hoàng Thủy (của Công ty TNHH KD Nhà Đức Minh) còn vướng đền bù, hiện chưa tác động gì trên đất dù được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư từ năm 2002.

Với tiềm năng không cần bàn cãi, du lịch Bình Thuận mà trọng tâm là địa bàn TP. Phan Thiết đang được địa phương đề ra nhiều giải pháp để hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trên thực tế, phần lớn các dự án triển khai đầu tư hoàn thành và đưa vào hoạt động trên địa bàn Phan Thiết đều đem lại hiệu quả trong kinh doanh, nhất là thời gian gần đây luôn đón lượng khách ổn định. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực kêu gọi thu hút đầu tư thì du lịch Bình Thuận sẽ không chấp nhận các dự án chậm triển khai, xuất phát từ nguyên nhân chủ quan như chủ đầu tư không tích cực phối hợp giải quyết vướng mắc, thiếu năng lực tài chính, đặc biệt là có tư tưởng “xí phần” để tìm cơ hội sang nhượng dự án…

Đ.QUỐC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP. Phan Thiết: Hàng loạt dự án du lịch bị đề nghị thu hồi, vì sao?