Theo dõi trên

Trái thanh long với câu chuyện thị trường

07/02/2020, 16:30 - Lượt đọc: 216

BT- Thỉnh thoảng, câu chuyện thanh long ùn ứ, không xuất khẩu sang Trung Quốc lại nổi sóng. Tuy nhiên, lần này nguy cơ khủng hoảng cao hơn khi người trồng loại trái cây này tập trung cho một đợt xuất lớn nữa (khoảng 100.000 tấn) là rằm tháng giêng trước khi “xả”, bước vào mùa “sản xuất cầm chừng” nhưng thị trường lớn nhất của thanh long lại bị ảnh hưởng nặng nề do virus corona.

                
Chọn thanh long xuất khẩu. Ảnh: Đình Hòa

Để giải quyết khó khăn hiện hữu trước mắt của bà con nông dân, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo quyết liệt các ngành chức năng tìm kiếm mọi giải pháp để hỗ trợ, giúp đỡ cho bà con nông dân vượt khó và đã có những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, một lần nữa, câu chuyện mở rộng thị trường xuất khẩu tránh lệ thuộc thị trường có trên 1,41 tỷ dân lại được đặt ra.

Lại được đặt ra vì vấn đề này người trồng, doanh nhân, giới quản lý đều đã nhận thấy từ lâu, từ rất lâu, có lẽ đã hơn chục năm rồi; thế nhưng cho đến giờ này, hiệu quả đến đâu còn là một câu hỏi lớn.

Theo Sở Công thương Bình Thuận, ngoài Trung Quốc, thanh long Bình Thuận còn xuất sang EU, Mỹ, Ấn Độ, Nhật, UAE… Tuy nhiên, lượng xuất sang các quốc gia này còn chiếm tỷ trọng rất thấp. Nếu xét kỹ, có thể cho cái nhìn không mấy lạc quan. Cũng theo Sở Công thương, năm 2018, tỷ lệ thanh long xuất khẩu ngoài Trung Quốc khoảng 20% thì báo cáo mới nhất cho thấy, tỷ lệ này chỉ còn 10%.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu, ngoài tiêu chuẩn kỹ thuật cao, xuất thanh long sang các quốc gia như EU, Mỹ… chi phí cao, trong đó “ám ảnh” nhất là chi phí vận chuyển và bảo quản. Có doanh nhân từng thẳng thắn rằng, trái thanh long đến EU, nằm được trên kệ siêu thị, tuổi thọ chỉ còn… 3 ngày. Một Việt kiều kinh doanh thực phẩm từng cho biết, dù xuất sang EU hay Mỹ, thanh long cũng chỉ là sự lựa chọn chính của người gốc Hoa, người bản xứ thì ít quan tâm.

Trong những ngày qua, khi nông sản nói chung và thanh long nói riêng ùn tắc tại các cửa khẩu; các bộ, ngành, các địa phương trong cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng rất nỗ lực giải cứu, nhưng việc thu mua dự trữ của nhà thu mua và các chuỗi bán lẻ, kể cả kêu gọi “người dân phát huy tinh thần yêu nước” giải cứu thì lượng tiêu thụ cũng sẽ chiếm tỷ lệ không cao so với lượng thừa. Giờ thì nông dân đành chấp nhận đối mặt với viễn cảnh “của đổ hốt lại”.

Song đó chỉ là câu chuyện trước mắt, còn về lâu dài, thanh long còn phải cạnh tranh quyết liệt với các loại trái cây khác ở chính đất nước mình, nơi là thiên đường của trái cây nhiệt đới và người tiêu dùng đa phần hảo ngọt.

Thực tế, nông dân, doanh nhân cũng như giới quản lý đều thừa nhận, đa số diện tích ở vùng trồng thanh long thì chỉ có trồng loại cây này là hiệu quả nhất. Vả lại dù gì, lợi nhuận từ thanh long cũng hơn lúa. Và cũng chỉ có thị trường Trung Quốc mới tiêu thụ hết một sản lượng khổng lồ đến trên 600.000 tấn mỗi năm nên họ buộc phải chấp nhận rủi ro đối với thị trường này.   

Nhìn rộng hơn, theo các chuyên gia, Trung Quốc vẫn là “thị trường lớn nhất, là một trong những mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu”. Vì vậy, khi họ gặp phải vấn đề, như dịch bệnh hiện nay chẳng hạn thì không chỉ thanh long, không chỉ trái cây mà nhiều lĩnh vực kinh tế khác cũng bị tác động tiêu cực. 

Giải pháp của chính quyền cho câu chuyện mở rộng thị trường cho trái thanh long là phải nâng cao nhận thức người nông dân trong thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng thanh long, xây dựng nền tảng uy tín chất lượng sản phẩm nhằm giữ vững thương hiệu thanh long Bình Thuận để đáp ứng sản phẩm xuất khẩu; phải làm tốt công tác dự báo thị trường trong nước và xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để quảng bá thanh long Bình Thuận phục vụ tốt cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu, ngoài thị trường Trung Quốc, phải chú trọng quảng bá các thị trường mà trái thanh long Bình Thuận đã có mặt; phải nắm chắc tình hình hoạt động thương mại trong kinh doanh trái thanh long, tăng cường công tác quản lý thương lái nước ngoài “núp bóng” thu mua thanh long, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những phương thức, thủ đoạn kinh doanh trái phép, trốn thuế, cạnh tranh không lành mạnh, thao túng giá mua, bán gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế - xã hội địa phương...

Còn đối với người trồng thanh long, câu chuyện thanh long chỉ có thể là “đường dài” là tích lũy vốn, cải thiện sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất nhằm giảm thiểu thiệt hại khi thị trường chính bỗng dưng “hắt hơi, ấm đầu”.  

 KIM HỒNG ĐĂNG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trái thanh long với câu chuyện thị trường