Theo dõi trên

Tránh chuyện “mất mùa trong nhà”

07/12/2017, 08:26

BT- Công nghệ sau thu hoạch là hệ thống các công cụ, phương tiện và giải pháp để biến đổi các loại nông sản thô thành các sản phẩm phục vụ trực tiếp hoặc gián tiếp cho nhu cầu của con người. Trong đó, công nghiệp bảo quản, chế biến (nông, lâm, thủy sản) rất quan trọng, nó quyết định việc nâng cao giá trị nông sản hàng hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho xã hội.

Nếu thiếu phương tiện và công nghệ bảo quản, chế biến thì tổn thất nông sản sẽ từ 20 đến 34% sản phẩm sau thu hoạch, tạo ra tình trạng “mất mùa trong nhà”.

 Nhìn lại Bình Thuận, trong thời gian gần đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương triển khai các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế đầu tư vào công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, nhất là các sản phẩm lợi thế. Về chế biến nông sản, hiện tỉnh có 14 cơ sở áp dụng công nghệ mới sản xuất sản phẩm thanh long (3 cơ sở thanh long sấy, 11 cơ sở nước ép và rượu vang thanh long). Từ cuối năm 2016 đến nay có 20 cơ sở đầu tư dây chuyền rửa thanh long bán tự động. Hiện có 1 cơ sở đang thử nghiệm sản phẩm sầu riêng sấy chân không để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Có 5 cơ sở hạt điều trang bị máy chẻ tự động và 4 cơ sở trang bị máy tách lụa và máy phân loại bằng phương pháp so màu. Về chế biến thủy sản, nhiều doanh nghiệp chú ý đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp dây chuyền sản xuất, trang bị máy móc, kho lạnh và các phương tiện kỹ thuật hiện đại, cải tiến chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Sản xuất muối sạch, muối tinh được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, hiện trên địa bàn tỉnh đã có doanh nghiệp đầu tư sản xuất muối hạt sạch, giá trị cao xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ngoài ra còn có 4 doanh nghiệp sản xuất muối tinh, muối phối trộn iốt với sản lượng khoảng 30 ngàn tấn/năm…

Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ sau thu hoạch, cụ thể là công nghiệp bảo quản chế biến nông, lâm, thủy sản ở Bình Thuận còn nhiều mặt hạn chế. Tỷ lệ sản phẩm sau thu hoạch qua bảo quản, chế biến bằng thiết bị, công nghệ hiện đại chưa đáng kể, do đó giá trị hàng hóa chưa cao.

Để sản phẩm của địa phương, đặc biệt là sản phẩm lợi thế có thương hiệu trên thị trường, đảm bảo giá trị và chất lượng, thu hút người tiêu dùng, Bình Thuận cần chú trọng xây dựng chính sách, tăng cường việc hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến bảo quản cho các loại nông sản, theo hướng an toàn, nâng cao giá trị nông sản sau thu hoạch, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế tình trạng “mất mùa trong nhà”.                                             

Huỳnh Lê



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tránh chuyện “mất mùa trong nhà”