Theo dõi trên

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống dịch

21/03/2019, 09:55 - Lượt đọc: 22

BT- Cục Thú y nhận định dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh an toàn sinh học không tốt; chưa xuất hiện bệnh tại các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Trong khi đó, chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, hộ gia đình tại tỉnh ta vẫn chiếm tỷ trọng 50 - 60% nên không lường trước nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm này xảy ra. 

                
   Kiểm soát vận chuyển lợn tại xã Phan sơn    huyện Bắc Bình.

Thực tế tại địa phương

Mặc dù tỉnh ta chưa xuất hiện bệnh nhưng nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất cao. Toàn tỉnh hiện có 58 trang trại và trên 15.700 hộ chăn nuôi lợn tập trung nhiều nhất ở các huyện Đức Linh 5.409 hộ, Tánh Linh 3.781 hộ, Hàm Thuận Bắc 2.402 hộ, La Gi 1.305 hộ, Hàm Tân 1.079 hộ… Số hộ chăn nuôi là rất lớn, tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó DTLCP, trong đó các huyện, thị xã, thành phố đang tiếp tục rà soát số hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ trên địa bàn không để sót hộ, cơ sở nào không triển khai tiêu độc, khử trùng phòng bệnh.

Đức Linh là nơi có đàn lợn lớn nhất tỉnh với trên 109.000 con, trong đó có khoảng 39.500 con của 21 trang trại, còn lại là các hộ chăn nuôi gia đình. Lãnh đạo UBND huyện Đức Linh cho biết, huyện đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thành lập các tổ kiểm tra công tác phòng chống DTLCP. Cũng như cử cán bộ thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra tình hình đàn lợn, chuẩn bị đầy đủ vật tư, cấp phát 450 lít thuốc sát trùng cho các xã phun tại các chợ, điểm giết mổ, số còn lại phân bổ cho các hộ chăn nuôi tiêu độc khử trùng. Đức Linh đã duy trì hoạt động chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại 2 xã Đông Hà và Đa Kai, giáp ranh tỉnh Đồng Nai kiểm soát 24/24h đối với lợn và các động vật ra vào huyện. Từ ngày 8/3 đến 18/3, 2 chốt đã kiểm tra 53 xe chở lợn ra vào huyện; trong đó có 46 xe với 2.840 con lợn của các trang trại ra ngoài huyện, 7 xe còn lại có 431 con lợn đưa vào huyện tiêu thụ chủ yếu từ tỉnh Đồng Nai. Còn tại thị xã La Gi có số lượng cơ sở giết mổ khá lớn với 18 cơ sở, thị xã đã cấp phát 300 lít thuốc sát trùng cho các cơ sở và đang rà soát nắm chắc số hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ tại địa bàn.  

Nguyên nhân lây lan và giải pháp phòng chống

Nguyên nhân lây lan DTLCP thời gian qua được cho là do một số thương lái chưa nhận thức đầy đủ tính chất nguy hiểm của dịch, cũng như vì lợi ích trước mắt nên khi có lợn bệnh, lợn chết đã mua bán, vận chuyển, giết mổ tiêu thụ lợn nghi mắc bệnh. Hiện nay ở miền Bắc, nhiều nơi giá lợn đã giảm xuống mức 30.000 đồng/kg, trong khi ở miền Nam phổ biến 42.000 - 43.000 đồng/kg. Mức chênh lệch này vẫn đủ hấp dẫn để các thương lái gom lợn từ miền Bắc vào miền Nam. Đây chính là nguy cơ rất lớn để mầm bệnh lây lan từ các tỉnh phía Bắc vào Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, virus DTLCP có khả năng tồn tại lâu trong lợn bệnh, các sản phẩm của lợn, trong môi trường và dụng cụ chăn nuôi. Trong khi phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi khá phổ biến khiến dịch bệnh lây lan rất nhanh.

Tại tỉnh ta, đã thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời và 7 chốt tại 6 huyện kiểm soát vận chuyển lợn ra vào tỉnh. Trong đó, chốt kiểm dịch tại xã Vĩnh Tân (Tuy Phong) được xem là cửa ngõ quan trọng để kiểm soát lợn, động vật các tỉnh phía Bắc vào tỉnh.

Bình Thuận đang “căng mình” triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng DTLCP, trong đó giải pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch là người chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, sát trùng tiêu độc những nơi nguy cơ cao; không cho lợn ăn thức ăn dư thừa từ các nhà hàng, bến cảng.

Uyên Thư



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống dịch