Theo dõi trên

Triển khai Luật Thủy sản 2017: Nhiều vướng mắc

01/05/2019, 09:08

BT- Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 với nhiều điểm mới được các ngành chức năng đánh giá là “bước ngoặt” đối với ngành thủy sản nhằm chuyển hướng từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, phát triển hiệu quả, bền vững. Tuy nhiên, để chính sách mới đi vào cuộc sống, còn gặp nhiều khó khăn.

 Yêu cầu phải có… máy trưởng

Theo quy định của Luật Thủy sản 2017 và thông tư hướng dẫn thực hiện của Bộ NN&PTNT, tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên phải có ít nhất 1 máy trưởng chịu trách nhiệm về kỹ thuật máy móc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, rất ít tàu cá của ngư dân Bình Thuận đáp ứng quy định trên. Ngư dân Đỗ Văn Ba (huyện Tuy Phong) chia sẻ: “Bây giờ tìm bạn đi biển đã khó, nay thêm quy định phải có thợ máy trên tàu thì hàng loạt tàu cá sẽ không thể đáp ứng được! Như vậy là gây khó cho ngư dân”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại, hầu hết tàu khai thác xa bờ của ngư dân các huyện Tuy Phong, La Gi đều ra khơi mà không có máy trưởng. Nhiều chủ tàu cho rằng đã có bằng thuyền trưởng, được đào tạo, có chuyên môn để đáp ứng các yêu cầu về quản lý, vận hành máy móc trên tàu cá thì không nhất thiết phải có máy trưởng đi cùng, phát sinh tốn kém không cần thiết.

Theo các ngành chức năng, quy định phải có máy trưởng trên tàu cá là để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, hướng đến sự chuyên nghiệp trong quá trình hoạt động khai thác hải sản. Chính vì vậy, theo luật mới, nếu ngư dân là chủ tàu không đáp ứng quy định trên, thì tàu cá không được xuất bến. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay chưa có trường hợp tàu cá sản xuất xa bờ của ngư dân trong tỉnh phải nằm bờ vì quy định trên.

 Truy xuất nguồn gốc hải sản

Luật Thủy sản 2017 đã cụ thể nhiều khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về “thẻ vàng” thủy sản đối với Việt Nam. Đáng chú ý là công tác truy xuất nguồn gốc hải sản ngư dân khai thác được ở các cảng cá khi tàu cập bờ, tuy nhiên công tác này còn gặp nhiều lúng túng. Từ tháng 6/2018 đến hết tháng 3/2019, các văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá phối hợp Ban quản lý các cảng cá: Phan Thiết, La Gi, Phan Rí Cửa đã thực hiện kiểm tra sản lượng lên bến cho 9.428/11.046 lượt tàu cập cảng, thu nhận 1.236 giấy xác nhận tàu cập cảng, 1.236 sổ nhật ký khai thác và thực hiện xác nhận 65 giấy xác nhận khai thác thủy sản với hơn 2.900 tấn hải sản các loại. Con số này vẫn còn khiêm tốn so với đội tàu hơn 3.300 chiếc có công suất từ 90 CV trở lên trong toàn tỉnh. Ngoài ra, một số doanh nghiệp kinh doanh hải sản trên địa bàn không có nhu cầu xuất khẩu sang thị trường châu Âu nên cũng không truy xuất nguồn gốc hải sản. Do đó công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

 Khó ngăn chặn triệt để nạn khai thác tận diệt

Luật Thủy sản 2017 quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo đó, cơ quan chức năng sẻ chia quyền quản lý nghề cá cho tổ chức cộng đồng để cùng chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Quyền đồng quản lý được quy định rõ gồm ngăn chặn đối với các hành vi vi phạm hành chính và tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Quy định trên nhằm xã hội hóa nghề cá, hướng đến nghề cá có trách nhiệm, ngăn chặn khai thác tận diệt nguồn lợi hải sản, hướng đến phát triển nghề cá bền vững. Tuy nhiên, dù ngành nông nghiệp tỉnh, huyện đã triển khai nội dung này ở hầu khắp các xã, phường có nghề cá nhưng hiệu quả mang lại rất thấp. Nạn tận diệt hải sản bằng các nghề giã cào đơn, giã cào đôi, thuốc nổ, xung điện vẫn diễn ra ở khắp các vùng biển ven bờ. Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản, Luật Thủy sản đã có hiệu lực, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nhưng chưa thể có hiệu quả ngay tức thì, cần mưa dầm thấm lâu. Trong khi đó, lực lượng kiểm tra, kiểm soát trên vùng biển xa còn quá mỏng, phương tiện cũng thiếu, nên không thể có mặt 24/24 giờ ở mọi vùng biển trên địa bàn tỉnh để bắt giữ, xử phạt nghiêm. 

    
  

  Tuyên   truyền sâu rộng Luật Thủy sản 2017

    UBND tỉnh   yêu cầu các sở, ngành và chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công   tác tuyên truyền các nội dung của Luật Thủy sản 2017; rà soát các tiêu   chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan đến Luật Thủy sản 2017,   kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời điều chỉnh, bổ sung, đảm   bảo phù hợp với quy định của Luật Thủy sản 2017. Đồng thời, thường xuyên   kiểm tra, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, khó   khăn phát sinh trong quá trình triển khai, đảm bảo tiến độ và hiệu quả   thực hiện.

M.Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triển khai Luật Thủy sản 2017: Nhiều vướng mắc