Theo dõi trên

Trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi xâm nhập: Bình Thuận khuyến cáo người chăn nuôi chủ động ngăn chặn

04/03/2019, 08:24

 BT- Theo Cục Thú y, đến thời điểm này cả nước đã có 7 tỉnh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Mặc dù Bình Thuận chưa ghi nhận trường hợp nào, nhưng trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh, có nguy cơ xâm nhập vào tỉnh, Sở Nông Nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh… 

                
Phun thuốc sát trùng phòng bệnh dịch tả lợn    châu Phi. Ảnh: Internet

Ông Lê Tấn Bật - Trưởng phòng Dịch tễ - Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Chi cục) cho biết, hiện nay DTLCP đang diễn biến phức tạp, xâm nhập, lây lan vào Việt Nam. Đặc biệt, Bình Thuận là địa bàn có nhiều khách du lịch và phương tiện vận chuyển hàng hóa từ các nước, các vùng đang có dịch bệnh. Do vậy, mối nguy cơ tiềm ẩn làm xuất hiện bệnh DTLCP tại địa phương rất lớn. Chính vì thế, để chủ động ngăn chặn, chi cục đã và đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Cụ thể, hàng ngày vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; vệ sinh tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi; định kỳ phun hóa chất tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa việc ra, vào thăm cơ sở chăn nuôi nhất là tại các cơ sở sản xuất giống...

Trường hợp đàn lợn nghi mắc bệnh DTLCP, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì cần lấy mẫu (trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật) để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh. Chi cục cũng đề nghị Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố triển khai thực hiện tốt tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất. Đến nay các địa phương đã phun khử trùng được 1.293 lít thuốc sát trùng. Khuyến cáo đối với hộ chăn nuôi, gia trại, thường xuyên thực hiện vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh.

                
Chăn nuôi lợn an toàn sinh học.

Đặc biệt, người chăn nuôi cần có biện pháp ngăn chặn các loại côn trùng, gặm nhấm vì chúng có thể mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác. Không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các loại sản phẩm thịt lợn bệnh. Mua con giống rõ nguồn gốc; không sử dụng thức ăn thừa, thức ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt chín, tốt nhất là không sử dụng. Không cho thương lái, phương tiện vận chuyển vào khu chuồng nuôi vì có thể mang theo mầm bệnh từ nơi khác vào. Khi phát hiện lợn bệnh, nghi bị bệnh, không bán chạy lợn bệnh, không giết mổ, không vứt xác lợn chết ra môi trường vì sẽ làm lây lan rất nhanh; không điều trị vì bệnh này không điều trị được, chưa có vắc xin. Không để những người bán cám, bán thuốc vào khu chuồng nuôi nếu chưa thực hiện sát trùng tiêu diệt mầm bệnh.

Đối với trang trại, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, tăng cường các biện pháp an toàn sinh học; yêu cầu tất cả cán bộ, công nhân kỹ thuật phải thực hiện nghiêm; có biện pháp xử lý, sát trùng mọi phương tiện, dụng cụ ra vào trang trại… Thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng khu vực nuôi, khu vực xung quanh; trên các tuyến đường trong và từ ngoài đi vào trại.

    
    Khi có lợn   bệnh, nghi bị bệnh phải báo chính quyền và cơ quan chuyên môn để lấy mẫu   xác định nguyên nhân; không được bán chạy, giết mổ, vận chuyển từ nơi   đang có bệnh đi bất kỳ nơi khác…

K.Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi xâm nhập: Bình Thuận khuyến cáo người chăn nuôi chủ động ngăn chặn