Theo dõi trên

Trước thử thách

24/09/2020, 08:42 - Lượt đọc: 29

Bài 2: Như chạy trên cát

BT- Những khó khăn dồn dập về, những điểm nghẽn vốn đã gọi tên mấy năm qua cũng đến thời điểm phải gỡ dần, ai theo dõi sát tình hình ấy đều cảm nhận, Bình Thuận như đang chạy trên cát, nhọc nhằn nhưng cũng dự báo không lâu nữa sẽ bước sang trang mới...

                
      
      Ông Nguyễn Ngọc Hai - Chủ tịch UBND tỉnh gặp gỡ và đối thoại với    doanh nghiệp.

2 kịch bản

Bây giờ đang là tháng 9, các tỉnh miền Trung đã công bố khống chế dịch, Bình Thuận cũng không có ca bệnh Covid-19 nào nhưng du lịch không vì thế mà hồi phục nhanh như mong đợi. 3 tháng còn lại này với những dự báo ảm đạm, khi Việt Nam chưa mở cửa cho các chuyến bay nước ngoài nhập cảnh với mục đích du lịch, trong khi đó khách trong nước đang còn e ngại làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19  nên ngành du lịch, dịch vụ khó có thể khởi sắc. Bên cạnh, nhóm ngành nông - lâm - thủy sản cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp từ dịch bệnh, từ lượng mưa năm nay khá ít so mọi năm. Vì vậy, theo 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2020 mà UBND tỉnh đưa ra thì cả 2 được xây dựng có mức tăng khác nhau nhưng đều thấp hơn mục tiêu đề ra là tăng 7,5%.

Cụ thể, kịch bản 1 được thẩm định là có thể đạt được, với GRDP 6 tháng cuối năm 2020 ước tăng 5,1%, đẩy GRDP cả năm 2020 tăng 4,5%. Trong đó, chỉ có mỗi nhóm công nghiệp - xây dựng được dự báo có mức tăng 13,43%, cao hơn kế hoạch gần 1 điểm %, còn 2 nhóm ngành khác đều có mức tăng thấp xa so với mục tiêu đề ra. Còn với kịch bản 2, xác định là phải phấn đấu khi công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục hoạt động và tháo gỡ khó khăn, cộng thêm may mắn, nếu như dịch vụ du lịch 6 tháng cuối năm có sự phục hồi mạnh sau dịch Covid-19. Theo đó, với GRDP 6 tháng cuối năm 2020 ước tăng 6,04%, kéo GRDP cả năm 2020  tăng 5%, thì cũng chỉ có nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tăng 14,75%, vượt mục tiêu gần 2 điểm %, chủ yếu tăng từ ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện.

Điều đáng nói, điểm nổi bật của sản xuất và phân phối điện này cũng là kết quả của sự nỗ lực vượt khó của tỉnh. Trước đó, khi các dự án điện mặt trời ồ ạt xuất hiện, hòa lưới trước 30/6/2019, hệ thống truyền tải, nhất là tại khu vực Tuy Phong bị quá tải khiến các nhà máy năng lượng tái tạo đều bị giảm phát công suất nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp bị lỗ lũy kế nhiều tháng liền. Sau khi lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp, UBND tỉnh đã triển khai hàng loạt công việc. Đó là có Công văn số 4981 đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo ưu tiên sớm đầu tư xây dựng các công trình đường dây truyền tải và trạm biến áp 500 kV, 220 kV và 110 kV để phục vụ giải tỏa công suất các dự án điện trên địa bàn tỉnh. Sau đó, UBND tỉnh tiếp tục có Công văn số 1108 đề nghị Thủ tướng Chính phủ, ngành chức năng xem xét đưa các dự án nguồn và lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vào Quy hoạch điện VIII; trong đó, có đề xuất danh mục các công trình lưới điện truyền tải để giải phóng công suất các dự án điện năng lượng tái tạo. Tiếp đó, UBND tỉnh đã có văn bản thỏa thuận hướng tuyến các công trình đường dây 110kV... Cuối cùng, sau bao đốc thúc đền bù giải tỏa, bao nỗ lực thi công nhanh nhất có thể, vào cuối tháng 7 rồi, các dự án điện mặt trời trên địa bàn đã được giải tỏa công suất phát điện. So với dạo cuối năm 2019, có thêm khoảng 50 - 60% tổng công suất của các nhà máy đã được phát lên hệ thống lưới điện, cũng có nghĩa dự báo mức tăng trưởng của công nghiệp, mà cụ thể từ sản xuất và phân phối điện trên là chắc chắn.

 Lắng nghe và giải quyết

Ông Nguyễn Ngọc Hai - Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết việc xuất hiện một nền công nghiệp năng lượng như thế là kết quả của sự định hướng, chung sức của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và doanh nghiệp kéo dài cả hành trình. Trước hết, từ lâu, tỉnh đã định hướng, phải khai thác những bất lợi như nắng nhiều, gió lớn thành lợi thế. Vì vậy, khi lắng nghe từ Trung ương, lắng nghe từ xu hướng đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh đã bắt nhịp kịp theo quy hoạch chung cũng như chính sách phát triển về năng lượng tái tạo của Trung ương nên ngay từ năm 2017, đã triển khai xong quy hoạch này trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, khi doanh nghiệp vào, đăng ký thực hiện ở đâu, cần hỗ trợ gì, tỉnh đều nắm thế chủ động nên sang năm 2018, hàng loạt dự án điện mặt trời đã khởi động và kịp hòa lưới điện trước mốc 30/6/2019. Tương tự, với du lịch, tỉnh cũng đã lắng nghe, kịp triển khai tất cả các bước, các thủ tục kéo dài mất 5 năm để đến thời điểm này, Khu du lịch quốc gia Mũi Né được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chính thức ban hành quyết định công nhận. Còn nông nghiệp công nghệ cao cũng được hình thành theo con đường ấy. Vì thế, việc tỉnh lựa chọn phát triển 3 trụ cột: Công nghiệp (năng lượng, chế biến); Du lịch biển (giải trí, thể thao) và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng chuỗi giá trị không phải là ngẫu nhiên.  

                
      Doanh nghiệp đối thoại với lãnh đạo tỉnh. Ảnh: Ngọc Lân

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh là phải lắng nghe doanh nghiệp, mới nắm bắt những xu hướng vận động trong đầu tư, mới biết khắc phục điểm nào, ở đâu... Đó là lý do đầu năm 2018, tỉnh đã thành lập Trung tâm Hành chính công để gom về một mối trong tiếp nhận, xử lý hồ sơ của tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân theo hướng nhanh nhất. Bên cạnh cũng củng cố, đầu tư cơ sở vật chất, sắp xếp cán bộ có kỹ năng chuyên môn cho Bộ phận một cửa ở cấp huyện, xã. Đó cũng là lý do năm nào thông qua hội nghị “Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”, tỉnh cũng tổ chức đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp có sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy lẫn Chủ tịch UBND tỉnh để sau đó, chỉ đạo các ngành chức năng giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Trung ương tháo gỡ...

Thực tế, có những vấn đề tỉnh đã lắng nghe, đã thấu hiểu nhưng việc giải quyết ngoài tầm với và theo thời gian đã trở thành “điểm nghẽn”. Nổi lên rất rõ là hạ tầng đối ngoại của tỉnh từ sân bay, đường cao tốc, cảng biển đều chưa có; quy hoạch titan và các quy hoạch khác đang chồng lấn nên rất nhiều dự án không thể triển khai... Vì thế, kết quả chung thu về là các Chỉ số cải cách hành chính (Par Index), hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PaPi), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm của tỉnh mặc dù có cải thiện điểm số nhưng chưa bền vững. Kết quả mới nhất là năm 2019, chỉ số Par Index đạt 79,74%, tăng 4,2 điểm - xếp thứ 47/63, giảm 5 bậc so với năm 2018; chỉ số PaPi đạt 41,63/80 điểm, tăng 0,03 điểm - xếp thứ 55/63, tăng 4 bậc và chỉ số PCI đạt 65,33 điểm, tăng 1,3 điểm - giảm đến 9 bậc, xuống vị trí 31/63 tỉnh, thành. Vì sao có sự bất thường như vậy, nhất là với chỉ số PCI, khi năm 2018, Bình Thuận đã đứng ở vị trí 22/63 tỉnh, thành, với kế hoạch vào tốp 20 của toàn quốc?

Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh phân tích, tính về điểm thì PCI Bình Thuận có tăng nhưng tốc độ tăng không bằng các tỉnh, thành khác. Nguyên nhân do một phần từ chính một số cán bộ công chức, một số cơ quan  có cách nghĩ, cách làm còn xem nhẹ công tác cải cách hành chính. Bên cạnh, còn vì nguyên nhân khác, do các điểm nghẽn trên như việc chồng lấn quy hoạch titan với các quy hoạch khác, doanh nghiệp chờ hoài mà chưa được cấp chủ trương đầu tư dự án hoặc chưa có các dịch vụ công như đường sá, logistic... thì không thể nào hài lòng được. Để thực hiện điều đó phải mất rất nhiều thời gian. Nhưng sang những tháng cuối năm 2020, các điểm nghẽn trên đang dần được gỡ...

    
    Giai đoạn   2016 - 2020, công tác cải cách hành chính và thực hiện cơ chế một cửa,   một cửa liên thông, toàn tỉnh đã công bố, công khai 1.991 thủ tục của 3   cấp; rút ngắn thời gian giải quyết của 1.339 thủ tục. Theo đó, tổng số   thời gian đã rút ngắn là 4.824 ngày, bình quân mỗi thủ tục hành chính   được cắt giảm 16,1% về thời gian…

Bích Nghị

Bài 3: Khát vọng vươn cao



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trước thử thách