Theo dõi trên

Vì sao 50% khu vực khai thác titan vẫn chưa hoàn thổ?

07/01/2019, 10:18

Thực trạng

BT- Hoạt động cấp phép khai thác khoáng sản nói chung và khoáng sản titan, cát xây dựng nói riêng đều được cấp phép theo quy hoạch khoáng sản cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trước khi cấp phép khai thác các đơn vị phải được phê duyệt hồ sơ môi trường, trong đó đã đánh giá tác động đến môi trường và đề xuất các giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường, cải tạo phục hồi môi trường trong và sau khai thác khoáng sản. Thế nhưng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều khu vực doanh nghiệp đã khai thác titan xong, nhưng chưa phục hồi môi trường, vì thế Nhà nước vẫn chưa tiếp nhận diện tích đất đã khai thác khoáng sản. Qua khảo sát của ngành chức năng vào cuối năm 2018 cho thấy, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 14 khu vực được Bộ Tài nguyên - Môi trường và UBND tỉnh cho phép khai thác, thu hồi khoáng sản trước năm 2010 trên diện tích các dự án phát triển du lịch; có một khu vực khai thác titan quy mô công nghiệp được Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp phép khai thác đó là mỏ titan Suối Nhum, với diện tích 181,5ha đã hết hạn khai thác (chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận). Trong số 13 khu vực khai thác thu hồi khoáng sản titan do UBND tỉnh cấp phép đã được phê duyệt đề án đóng cửa mỏ. Trong đó, có 7 khu vực đã thực hiện xong đề án đóng cửa mỏ, được kiểm tra, nghiệm thu và đang làm thủ tục bàn giao đất cho các dự án phát triển du lịch. Còn lại 6 khu vực được kiểm tra nhưng đang thiếu hồ sơ thủ tục nên chưa được nghiệm thu đóng cửa mỏ (riêng chỉ có mỏ titan Vũng Môn của Công ty cổ phần Đường Lâm hiện đang đo đạc địa hình khu vực mỏ để làm cơ sở xem xét đóng cửa mỏ). Đối với mỏ titan Suối Nhum do Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp phép thì chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận chưa lập xong đề án đóng cửa mỏ để gửi về Tổng cục Địa chất khoáng sản xem xét. Ngày 6/3/2017 Bộ Tài nguyên - Môi trường có văn bản yêu cầu doanh nghiệp khai thác khoáng sản Suối Nhum chấm dứt hoạt động khai thác và yêu cầu công ty trong thời gian 6 tháng di chuyển toàn bộ thiết bị, phương tiện khai thác ra khỏi khu vực khai thác, lập hồ sơ đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường. Sau đó, ngày 26/6/2018 Sở Tài nguyên - Môi trường  tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường chỉ đạo kiểm tra, xử lý doanh nghiệp theo quy định, vì không chấp hành đóng cửa mỏ. Cuối tháng 10/2018, Tổng cục Địa chất khoáng sản tiếp tục có Thông báo số 2916 yêu cầu công ty triển khai lập hồ sơ đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường…

 Nguyên nhân kéo dài

Lý do để các doanh nghiệp chần chừ làm các thủ tục hồ sơ đóng cửa mỏ, trước hết là ý thức chấp hành pháp luật của các chủ doanh nghiệp chưa nghiêm; chậm làm thủ tục, hồ sơ trình phê duyệt đóng cửa mỏ theo quy định. Mặt khác, Sở Tài nguyên - Môi trường và các sở, ngành, địa phương liên quan cũng chưa quyết liệt trong công tác cưỡng chế doanh nghiệp thực hiện. Đối với mỏ titan Suối Nhum chưa thực hiện hoàn phục môi trường là do sau khi Bộ Tài nguyên - Môi trường có văn bản yêu cầu doanh nghiệp thực hiện thì Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản và Thương mại Bình Thuận có văn bản giải trình đề nghị Bộ xem xét gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, sau khi xem xét kiến nghị của doanh nghiệp, ngày 23/10/2018, Tổng cục Địa chất khoáng sản có văn bản trả lời yêu cầu công ty đóng cửa mỏ, hoàn phục môi trường. Ltrãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường cho hay: “Nếu khu vực chưa hoàn phục môi trường trên diện tích đất thuê thì đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hoàn phục môi trường theo quy định của Luật Khoáng sản và Môi trường. UBND tỉnh chưa cho người khác thuê đất mà phải chờ hoàn thành xong việc hoàn thổ, phục hồi môi trường…”. Hiện Sở Tài nguyên - Môi trường đang tích cực nhắc nhở, đôn đốc các đơn vị hoàn tất, bổ sung thủ tục hồ sơ còn thiếu để thực hiện đóng cửa mỏ phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.                                                                                                      

HỒ NHẬT



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao 50% khu vực khai thác titan vẫn chưa hoàn thổ?