Theo dõi trên

Vì sao chưa thể cải tạo đất nông nghiệp?

21/03/2019, 10:13

Kỳ 2: Tranh cãi quanh khối lượng đất đá dôi dư

BT- Trong khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị cấp phép để dân tiến hành cải tạo đất, vì thời gian đã kéo dài gần cả năm thì Sở Tài nguyên và Môi trường chưa hết băn khoăn về khối lượng đất dôi dư từ cải tạo đất quá lớn.

Lập luận 1

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trong 15 hộ đã có phương án cải tạo đất với khối lượng vật chất dôi dư tận dụng/hộ khoảng từ 2.000 đến 56.000 m3/năm thì có 7 trường hợp có khối lượng dôi dư gấp hơn 10 lần so với quy định không quá 3.000m3/năm đối với hộ kinh doanh khai thác khoáng sản. Cụ thể, có 3 trường hợp khối lượng khoảng 30.000 m3, 1 trường hợp đạt khối lượng 44.000 m3, 2 trường hợp có khối lượng 50.000 m3 và 1 trường hợp khác có khối lượng đến 56.000 m3.

Qua những con số ấy, Sở Tài nguyên và Môi trường phân tích, mặc dù các trường hợp cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp trong quá trình cải tạo đất nông nghiệp theo phương án có khối lượng đất, đá dôi dư trên 3.000 m3/năm được phép tận dụng không phải là hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản, không phải cấp giấy phép khai thác khoáng sản, không thuộc đối tượng theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 36 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, đối với 1 trường hợp hộ kinh doanh có đăng ký ngành nghề khai thác khoáng sản, được cấp giấy phép thì việc cải tạo đất sản xuất nông nghiệp thời gian 12 tháng với khối lượng lớn như trên là không hợp lý. Nếu vậy, lượng đất đá dôi dư này lưu thông trên thị trường với giá rẻ, sẽ phá giá khoáng sản và về lâu dài, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công tác đấu giá khoáng sản ở tỉnh. Vì thế, để bảo đảm công bằng, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị chỉ các trường hợp cải tạo đất có khối lượng dôi dư từ 3.000m3 trở lại hoặc chịu đưa ra ngoài khu đất cải tạo khối lượng dôi dư nói trên là được triển khai. 

Lập luận 2

Trong khi đó, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến thời điểm này sở đã thẩm định phương án cải tạo đất của 20 trường hợp. Và trong đó chỉ có 4 trường hợp có khối lượng dôi dư dưới 3.000m3. Điều đó có nghĩa nếu khống chế tại mốc 3.000m3/năm, tức chỉ cho đưa ra khỏi phạm vi khu đất cải tạo lượng vật chất dư dôi tối đa 3.000 m3 theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường thì rất nhiều trường hợp phải điều chỉnh lại phương án cải tạo cho tương ứng với khối lượng. Tại Công văn số 173/SNN-KHTC ngày 17/1/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn băn khoăn: “Trường hợp không thay đổi phương án sản xuất đã được thẩm định nhưng vẫn xem xét cho phép tận dụng lượng vật chất dư dôi tối đa là 3.000 m3 thì sẽ không phù hợp thực tế sản xuất, vì không xác định được khi đó hộ dân sẽ tác động ở khu vực nào, tọa độ nào. Tác động không theo đúng phương án thì sản xuất được hay không, sản xuất có hiệu quả không, phần chưa tác động thì làm gì, xử lý vi phạm thế nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm khi hộ dân không thực hiện đúng phương án. Từ đó sẽ dẫn đến tình trạng hộ dân  không thực hiện được việc sản xuất nông nghiệp hiệu quả theo đúng phương án đã được thẩm định”. 

Tạm dừng?

Ở từng góc độ quản lý riêng, 2 sở với những lý do riêng đã chưa thể thống nhất được khối lượng khoáng sản dôi dư cho phép tận dụng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị xin ý kiến của UBND tỉnh có phải áp dụng Điều 36 Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ trong việc thực hiện Quyết định số 967/QĐ-UBND ngày 16/4/2018 của UBND tỉnh về cải tạo đất nông nghiệp có điều kiện sản xuất khó khăn để nâng cao hiệu quả sử dụng đất hay không. Đồng thời xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh đối với các trường hợp đã thẩm định phương án sản xuất có lượng vật chất dư dôi đưa ra khỏi phạm vi khu đất trên 3.000 m3. Một diễn biến khác, để bảo đảm đúng luật định, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 5870/STNMT-TNKS báo cáo và đề nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có ý kiến về khối lượng khoáng sản tận dụng đối với các trường hợp cải tạo đất trên địa bàn tỉnh. Đến nay, sở chưa nhận được văn bản hướng dẫn. Và trong cuộc họp của UBND tỉnh mới đây, có nhiều ý kiến nghiêng về nên tạm dừng thực hiện quyết định này chờ hướng dẫn chính thức của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, để bảo đảm không xảy ra cảnh tận thu khoáng sản là chính, còn cải tạo đất nông nghiệp là phụ. Trong khi đó, dưới cơ sở dân vẫn gửi đơn xin cải tạo đất ngày một nhiều hơn trước, riêng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp nhận 60 trường hợp.

    
      Điểm c, khoản 1, Điều 36 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của   Chính phủ nêu: “Hộ kinh doanh quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Khoáng   sản được cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông   thường, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản khi đáp ứng đủ kiện kiện   quy mô công suất khai thác không quá 3.000 m3 sản phẩm là   khoáng sản nguyên khai/năm”. Khoản 2 Điều 51 Luật Khoáng sản quy định:   “Hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản được   khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khai thác tận   thu khoáng sản”.

BÍCH NGHỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao chưa thể cải tạo đất nông nghiệp?