Theo dõi trên

Vì sao chưa thể cải tạo đất nông nghiệp?

26/03/2019, 09:25

Kỳ 2: Tranh cãi quanh khối lượng đất đá dôi dư

Kỳ 3: Thực tế đòi hỏi phải tiếp tục

BT- Vấn đề tận thu khối lượng khoáng sản dôi dư không qua 3.000 m3/năm không dừng lại ở các sở, ngành liên quan nữa mà chính quyền nên có kênh tham vấn từ những hộ dân có nhu cầu cải tạo đất.

 Con đường chưa đi

Những lúng túng của các đơn vị liên quan trong giải quyết vấn đề cải tạo đất sản xuất và tận thu khoáng sản dôi dư cũng dễ hiểu, vì thực tế đến giờ hình như mấy tỉnh bạn cũng đang loay hoay với vấn đề nhạy cảm và hóc búa này, nhất là bối cảnh hiện nay khoáng sản đang hiếm và giá thì tăng cao. Bên cạnh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai việc cải tạo đất sản xuất từ năm 2017 nhưng trong văn bản hướng dẫn thực hiện không có đề cập đến khối lượng đất đá dôi dư cụ thể bao nhiêu, tiềm ẩn nguy cơ khi vấn đề được lật lại, Bình Thuận không thể học hỏi. Còn Lâm Đồng, dù quy định rất rõ chuyện hạ nền, đồi, dốc cụ thể bao nhiêu mét đất nhưng cũng đang đau đầu chuyện làm sao bảo đảm trong quá trình cải tạo đất sản xuất nông nghiệp ấy có thể tận thu khoáng sản hợp lý. Còn nhiều tỉnh khác hình như vẫn chưa đề cập nội dung trên một cách cụ thể như Bình Thuận.Vì vậy, có thể ví đó là con đường khó, chưa ai đã đi qua hết nên cũng khó có kinh nghiệm để học hỏi. Đó cũng là lý do trong xây dựng Quyết định 967, mỗi chủ thể đều có sự ràng buộc rất rõ, và với các hộ dân trong quá trình cải tạo đất chịu kiểm soát từ nhiều cơ quan chức năng. Đó là phải thực hiện việc cải tạo đất đúng theo nội dung được cơ quan có thẩm quyền cho phép và phương án đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định. Đó là trong quá trình cải tạo đất, nếu phát hiện có khoáng sản khác ngoài khoáng sản được cho phép tận dụng phải có trách nhiệm bảo vệ và báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường, không được tự ý khai thác, tận dụng khoáng sản phát sinh mới.

Như đã nói, đây là quyết định ra đời từ bức xúc trong thực tế nên cần giải quyết, nhất là đã có quy định rất chặt chẽ, cụ thể và chi tiết như Quyết định 967. Nhìn lại những trường hợp cải tạo đất nông nghiệp tại tỉnh áp dụng theo Quyết định 41/2015 của UBND tỉnh lúc trước để thấy điều đó thật chính đáng, khi thông qua chính sách đúng đắn, nhiều mảnh đất nghèo dinh dưỡng, bây giờ đã xanh um cây trái, giúp nông dân có thu nhập ổn định. Và chính điều đó là động lực để những chủ đất khác mạnh dạn hơn trong cải tạo đất sản xuất nông nghiệp khi có Quyết định 967.

 Giải quyết cân bằng

Nông nghiệp chưa bao giờ thôi khó khăn nảy sinh, vì chính hiện tại đang ẩn chứa nhiều trở ngại cho phát triển. Rõ nhất là diện tích được chủ động nước cho sản xuất. Dù bao năm qua, Trung ương quan tâm, tỉnh nỗ lực, nhiều công trình thủy lợi đã ra đời mở rộng dần diện tích tưới. Tuy nhiên, đến nay, theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có trên 300.000 ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng hiện mới có 25% diện tích đã chủ động nước. Thêm nữa, với điều kiện, khí hậu, đất đai ở vùng thừa nắng gió này, đôi khi ngay cả hồ thủy lợi cũng hết nước vào mùa khô. Vì thế, việc khai thác nước ngầm cũng không còn cơ hội, một phần vì nhà nước đã quản lý chặt hơn, bảo tồn sự sống, phần khác tự trong đất, mạch nước ngầm đã không còn nhiều như trước. Do đó, việc chôn nước tại vườn nhà bằng cách đào ao tích nước, ổn định mạch nước ngầm tại chỗ được xem là giải pháp tốt nhất để tự cứu mình và cũng là cách để ứng phó với biến đổi khí hậu vốn đã thể hiện trong từng mùa vụ từ mấy năm nay.

Vì sự thiết thực ấy, việc tạm dừng thực hiện Quyết định 967 là điều có thể đối với chính quyền nhưng không thể đối với các hộ nông dân, khi nhu cầu bức xúc cho phát triển ngày một tăng, nhất là những lúc thanh long được giá cao. Câu chuyện đào ao trong đêm khuya, vận chuyển đất đá ra khỏi vườn trong đêm khuya  diễn ra trong năm 2016, 2017 ở các vùng nông thôn trong tỉnh là một ví dụ rất rõ về điều ấy. Vì vậy, vấn đề tận thu khối lượng khoáng sản dôi dư không qua 3.000 m3/năm không dừng lại ở các sở, ngành liên quan nữa mà chính quyền nên có kênh tham vấn từ những hộ dân có nhu cầu cải tạo đất. Cái chính vẫn là giải quyết cân bằng giữa cải tạo được đất nông nghiệp và tận thu khoáng sản ở mức chấp nhận được. Theo đó, đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 6153/STNMT-TNKS: “Trước mắt cho phép các cá nhân, hộ gia đình được tận dụng 3.000 m3 đất, đá dôi dư trong quá trình cải tạo đất. Sau khi có ý kiến của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sẽ xem xét, giải quyết tiếp theo” là hợp lý, hợp tình hơn cả.

    
    Đất nông   nghiệp sau khi cải tạo phải đảm bảo có điều kiện sản xuất tốt hơn so với   trước khi cải tạo; đáp ứng được các tiêu chí: địa hình bằng phẳng thuận   lợi cho sản xuất nông nghiệp; đảm bảo nguồn nước tưới tiêu ổn định thông   qua các giải pháp có bố trí tưới tiêu (ao chứa nước, hệ thống tưới); cải   thiện dinh dưỡng và thành phần cơ giới đất so với trước khi cải tạo; đảm   bảo sản xuất nông nghiệp thuận lợi, có hiệu quả. (Quyết định 967)

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao chưa thể cải tạo đất nông nghiệp?