Theo dõi trên

Vì sao điện gió Việt Nam chậm phát triển?

08/12/2016, 15:02

BTO- Cuối tháng 11 vừa qua, Nhà máy điện gió Phú Lạc (huyện Tuy Phong, Bình Thuận)giai đoạn 1 công suất 24MW,vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, vừa đi vào hoạt động. Đây là nhà máy điện gió thứ 3 của Bình Thuận, thứ 4 của Việt Nam, sau các dự án: phong điện 1 Bình Thuận (30 MW), Phú Quý (06 MW), và điện gió Bạc Liêu (99 MW).

                
      Tuy Phong là nơi có lượng gió tốt cho phát triển    điện gió

   Gộp cả 4 dự án trên, tổng công suất điện gió phát lên lưới Quốc gia chỉ khoảng 160 MW, còn rất nhỏ bé so với tiềm năng điện gió của Việt Nam. Theo quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia đến năm 2020 công suất điện gió Việt Nam đạt 800 MW, đến năm 2030 đạt 6.000 MW.

 Trong lúc Quốc hội vừa dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, thủy điện và nhiệt điện than tác động tiêu cực đến môi trường, sự phát triển các dự án năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời lại rất chậm so với yêu cầu.

 Ngoài Bình Thuận và Bạc Liêu đã sản xuất điện gió, các tỉnh như: Ninh Thuận, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bình Định…đều đã có nhà đầu tư đăng ký, được cấp phép, thậm chí khởi công dự án, nhưng đến nay chưa có nhà máy điện gió nào đi vào hoạt động.

 Trở ngại lớn nhất trong phát triển điện gió hiện nay là giá mua điện gió. Theo Quyết định số 37/2001/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ, giá mua điện gió là 7,8 cent/kWh, giá mua này thấp so với giá thành đầu tư, nhưng qua 5 năm ban hành vẫn chưa thay đổi, nên không hấp dẫn các tổ chức tín dụng, ngân hàng, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư triển khai các dự án. Phần đông còn lưỡng lự, chờ Chính phủ tháo “nút thắt” giá điện mới triển khai.

 Bình Thuận chiếm 30% năng lượng điện gió của cả nước, nên thu hút khá nhiều nhà đầu tư. Nhưng đến nay ngoài 3 dự án đã hoạt động kể trên, số dự án còn lại đều trong giai đoạn triển khai gồm: 1 dự án đang thi công(32 MW), 3 dự án đã được cấp phép đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, 10 dự án khác đang hoàn chỉnh hồ sơ xin cấp phép, 3 dự án nữa đang khảo sát nghiên cứu…

 Các dự án điện gió ở Bình Thuận còn gặp một vướng mắc nữa là chồng lấn lên vùng quy hoạch dự trữ titan trong tầng cát đỏ của Bộ Tài nguyên- Môi trường. Trước khi cấp phép cho các dự án điện gió, tỉnh phải xin ý kiến Bộ TN-MT. Đến nay mới có 2 dự án điện gió được Bộ chấp thuận triển khai đầu tư trong vùng quy hoạch dự trữ titan.

 Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên,tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành các nội dung:

 Điều chỉnh tăng mức giá mua điện gió cho phù hợp, Bộ Công thương đề xuất Chính phủ điều chỉnh giá mua điện gió lên 9,6 cent/kWh nhưng Chính phủ chưa ban hành.

 Có chính sách để các nhà đầu tư được tiếp cận và vay vốn từ các nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp, vay từ các nguồn ODA để phát triển điện gió.

  Đối với các dự án điện gió nằm trong vùng dự trữ khoáng sản titan trong tầng cát đỏ, đề nghị Chính phủ có chủ trương ưu tiên cho các dự án điện được thực hiện trước.

ĐẶNG DŨNG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao điện gió Việt Nam chậm phát triển?