Theo dõi trên

Vì sao giá lúa gạo tăng cuối năm?

26/01/2018, 13:56

BT- Lúa gạo tăng giá, nông dân trong tỉnh không quan tâm lắm trong bối cảnh này nhưng cũng khích lệ họ sản xuất lúa mùa vụ tới.

                
Nông dân đang thu hoạch lúa. Ảnh: Ngọc Lân

Chưa năm nào như năm nay, trong khi các mặt hàng thiết yếu đang rục rịch xuất hiện chào thị trường tết thì giá lúa gạo đã sôi động lên. Tại vùng nguyên liệu lúa Đức Linh, Tánh Linh, các loại lúa thơm đang giao dịch quanh mức 7.100 - 7.300 đồng/kg, còn giống lúa tròn, loại được sử dụng chủ yếu cho gia súc, gia cầm ăn cũng tăng lên khoảng 5.100 - 5.200 đồng/kg. Nếu so với cùng thời điểm năm trước, loại nào cũng tăng bình quân 1.000 đồng/kg. Theo giải thích của một số nông dân ở vùng nguyên liệu lúa Đức Linh, vụ mùa vừa rồi, do gieo đi gieo lại nhiều đợt, năng suất lúa giảm và lại chia nhỏ theo từng giai đoạn nên sản lượng thấp. Một khi cung không đủ cầu, đương nhiên sẽ đẩy giá lúa trên thị trường lên cao. Trong khi đó, tại vùng lúa Bắc Bình, Tuy Phong, những nơi vụ mùa rồi đạt năng suất khá cao thì giá lúa cũng tăng, đang quanh mức 6.300 đồng/ kg. Giá lúa tăng tất nhiên đẩy giá gạo trên thị trường cũng tăng, đặc biệt là các loại gạo thơm có nhiều người sử dụng, có mức tăng bình quân 1.000 đồng/kg. Ví dụ gạo thơm lài bịch 25 kg, trước đây loanh quanh ở mức 290.000 -300.000 đồng, nay đã vọt lên 320.000 - 336.000 đồng...

Giá lúa gạo tăng cao đang là vấn đề thời sự của cả nước, nhất là tại vựa lúa ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Theo phân tích của các công ty kinh doanh xuất khẩu lúa gạo ở đây, việc mặt hàng này tăng giá trong vòng nửa tháng nay là do ở đây vụ lúa thu đông 2017 (lúa vụ 3) đã thu hoạch hết và vụ đông xuân 2017 - 2018 thu hoạch trễ, sau Tết Nguyên đán mới bắt đầu rộ. Trong khi đó, ngoài các hợp đồng cũ chuyển sang, việc có thêm hợp đồng mới, bán hơn 140.000 tấn gạo cho Indonesia mà Việt Nam vừa trúng thầu mới đây đã kéo giá lúa gạo nội địa tăng cao.

Còn vì sao các loại lúa gạo dành cho gia súc, gia cầm cũng tăng khá cao song song với các loại gạo cao cấp dành cho người ăn. Theo phân tích là do thời gian qua giá heo xuống thấp cộng thêm giải pháp không tăng đàn của ngành chức năng đã khiến người chăn nuôi đồng loạt chuyển sang nuôi gia cầm nên cũng chịu hút hàng.  

Điều đáng nói, giá lúa gạo tăng cao, chỉ có thương lái, cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo vui, vì mua vào giá thấp, bán ra được giá cao. Còn với nông dân trong tỉnh, họ không hăm hở lắm, thậm chí có hỏi giá lúa hiện tại, nhiều người còn không biết, vì vụ mùa đã thu hoạch xong hơn 1 tháng nay, trên đồng lúa đông xuân ở nhiều nơi đã gần 2 tháng tuổi. Đó là chuyện không mới lâu nay khi hầu hết lúa gặt xong là bán hết cho thương lái tại ruộng, nông dân không có điều kiện để trữ lúa khô, vì có bao khoản nợ cần phải thanh toán sau thu hoạch. Do đó, lúa gạo tăng giá, nông dân không quan tâm lắm trong bối cảnh này nhưng cũng khích lệ họ sản xuất lúa mùa vụ tới.

Chưa năm nào vào dịp cuối năm, lúa gạo rơi vào cảnh nguồn cung khan hiếm, trong khi lượng cầu tăng, tính cả cho trong nước và xuất khẩu, dẫn đến tăng giá như hiện tại. Tình thế hơn, các nhà xuất khẩu gạo quyết tâm phải đưa 140.000 tấn gạo đó qua Indonesia trước Tết Nguyên đán, tức đầu tháng 2/2018 phải bảo đảm đủ hàng để xuất đi. Do đó, thời gian tới, gạo sẽ gom về, giá sẽ bị đẩy lên nữa, dù biết xuất với giá nội địa hiện tại không có lời. Tuy nhiên, đó là chuyện của nhà xuất khẩu, lời hay không là chuyện tính sau khi trước mắt phải thực hiện tốt đơn hàng, tránh bị bồi thường. Theo đó, giá lúa gạo chắc sẽ còn cao đến ngày cận tết.

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao giá lúa gạo tăng cuối năm?