Theo dõi trên

Vì sao người dân vẫn trồng thanh long?

11/05/2017, 08:39 - Lượt đọc: 126

BT- Vừa rồi nhiều nhà vườn thua lỗ, vì thanh long những vườn đó đang già cỗi, dễ nhiễm sâu bệnh, cho trái xấu nên bán giá thấp. Vì thế, họ đua nhau trồng để kịp thay thế những vườn thanh long đang già cỗi kia.

                
Ảnh: N.L

Thời điểm này, dạo một vòng tại Bắc Bình, Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam không khó để nhận ra có rất nhiều vườn thanh long vừa mới giâm cành. Nhất là những vùng đất mới mở ra nằm ven các tuyến kênh vừa có nước về, người dân xuống trụ trồng thanh long rầm rộ như vài năm trước, khi thanh long được giá cao. Số liệu thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vào cuối năm 2016, diện tích thanh long toàn tỉnh hơn 27.000 ha, tập trung nhiều ở huyện Hàm Thuận Nam là 12.275 ha, Hàm Thuận Bắc 8.970 ha, Bắc Bình 2.796 ha. Đồng thời cũng ghi nhận, trong quý 1/2017, diện tích thanh long toàn tỉnh đã nâng lên thêm khoảng 270 ha, có ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam. Trong khi đó, thông tin từ Phòng Quản lý tưới, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, thì số diện tích thanh long đang quản lý tưới dừng ở 16.986 ha, tức mới đạt hơn 60% diện tích thanh long chung, tập trung tại  Hàm Thuận Bắc 7.941 ha, Hàm Thuận Nam 6.235 ha, Bắc Bình 2.022 ha. Điều đó có nghĩa còn rất nhiều diện tích thanh long nằm ngoài vùng tưới, do vị trí trồng trên đồi, ngoài bãi và còn ở nhiều vùng khác, nơi chưa có tuyến kênh mương đi qua.

Chưa bàn đến giá cả bấp bênh, chưa bàn đến tình hình sâu bệnh, chưa bàn đến chất lượng sản phẩm, tức chưa tính đến những yếu tố bất ngờ; việc thiếu nước tưới, yếu tố không bất ngờ, đã thấy trước mắt cảnh báo người trồng thanh long không sớm thì muộn sẽ bị rủi ro lớn, nhất là khi mùa khô kéo dài. Thế nhưng vì sao người dân vẫn chọn trồng thanh long, vẫn mở rộng diện tích thanh long, dù biết diện tích thanh long tại tỉnh đã vượt con số quy hoạch quá xa? Theo phân tích của nhiều người, từ đầu năm đến nay, do giá bán thanh long tương đối cao như tháng 3, giá bán bình quân 17.000 đồng/kg, sang tháng 4, giá bán thấp hơn 15.000 đồng/kg đã kích thích nhiều hộ dân mở rộng diện tích. Vả lại, khi so sánh với các cây trồng khác thì giá thanh long, dù lúc này lúc kia nhưng vẫn hấp dẫn hơn. Nếu trúng giá, sản phẩm đẹp thì có thể thu về tiền trăm triệu, trong khi trồng đậu hay bắp hoặc điều… thì chưa chắc. Mặt khác, người dân đang có suy nghĩ rằng sở dĩ, vừa rồi nhiều nhà vườn thua lỗ, vì thanh long những vườn đó đang già cỗi, dễ nhiễm sâu bệnh, cho trái xấu nên bán giá thấp. Còn những vườn thanh long tơ, mạnh khỏe, cho trái tốt, người trồng vẫn có thể khấm khá. Vì thế, họ đua nhau trồng để kịp thay thế những vườn thanh long đang già cỗi kia. Chính quyền một số huyện, thị cho rằng cũng khó can ngăn, vì trên địa bàn, diện tích thanh long hiện có chưa đạt theo diện tích đã quy hoạch, vả lại đất của dân nên dân vẫn trồng.

Theo ông Nguyễn Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước tình hình trên, ngành nông nghiệp đã có chỉ đạo cho các huyện, thị không để người dân tự phát trồng thanh long ồ ạt, tập trung chỉ đạo bà con nông dân sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm thanh long để tăng khả năng cạnh tranh. Cụ thể,  duy trì và phát triển thanh long theo hướng an toàn, VietGAP; tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống bệnh đốm nâu; hỗ trợ giúp đỡ các HTX, các tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp tạo chuỗi sản xuất-tiêu thụ; tăng cường công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, xúc tiến thương mại, nhất là thị trường nội địa.

Hảo Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao người dân vẫn trồng thanh long?