Theo dõi trên

Vì sao phải cấm đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo?

07/03/2018, 15:24 - Lượt đọc: 852

BTO - UBND tỉnh Bình Thuận vừa quyết định từ ngày 20/3 tới sẽ cấm đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo (giã cào) dưới mọi hình thức (bao gồm cả kéo đơn và đôi), kể cả khi tàu giải bản, hư hỏng, mục nát, hay bị tai nạn.

Nghề giã cào ảnh hưởng nhiều đến nguồn lợi thủy sản. Ngay cả bà con ngư dân làm nghề giã cào cũng phải thừa nhận nghề này khai thác tận diệt các loài hải sản dưới biển, do loại lưới này kéo sát đáy biển, mắt lưới dày, nên cá lớn, cá bé, tôm, mực, sò, ốc, ghẹ…đều bị tận diệt. Mặt khác lượng tàu làm nghề giã cào đóng mới rất nhiều, làm nguồn lợi thủy sản nước ta càng nhanh cạn kiệt.

                
Ảnh minh họa

Nhiều nước trong khu vực đã kiểm soát rất gắt gao với nghề này. Thái Lan đã cấm nghề lưới kéo từ 20 năm nay. Ở Việt Nam, ngay từ ngày 18/11/2015, Công văn 9443 của Bộ NN-PTNT đã quy định: “Tạm dừng việc đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo và cải hoán đối với các tàu từ nghề khác sang nghề lưới kéo; không cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với các tàu từ các nghề khác chuyển sang làm nghề lưới kéo”.

Nghề giã cào cũng chính là nghề vi phạm vùng biển nước ngoài nhiều nhất, dẫn đến Việt Nam bị “thẻ vàng” của EC do khai thác bất hợp pháp.

Ở Bình Thuận có gần 100 đôi tàu giã cào bay hoạt động, ngoài ra còn có một số lượng lớn tàu giã cào bay từ các tỉnh Kiên Giang, BR-VT đến khai thác hải sản. Tình trạng giã cào bay hoạt động sai tuyến, vi phạm vùng khai thác thường xuyên xảy ra, ở hầu hết các vùng biển, nhất là trong vụ cá Nam.

Nhiều tàu giã cào bay bất chấp quy định, hoạt động ở vùng biển độ sâu từ 30 m vào bờ, đánh bắt hải sản non, hủy hoại nguồn lợi thủy sản. Tàu giã cào bay còn thường xuyên kéo mất lưới, hoặc làm hư hỏng ngư cụ của thuyền nghề ven bờ, gây xung đột gay gắt trong nội bộ ngư dân. Tại nhiều kỳ họp HĐND các cấp, cử tri là ngư dân liên tục kiến nghị nhà nước phải quản lý chặt, hạn chế, đi đến chấm dứt hoạt động nghề giã cào.

Tỉnh Bình Thuận đã có nhiều hành động quyết liệt quản lý hoạt động giã cão bay như: cấm hoạt động khai thác trong mùa sinh trưởng của các loài hải sản; cấm đóng mới phát triển tàu làm nghề giã cào bay. Riêng trong năm 2017 chính quyền đã xử lý 54 vụ giã cào bay vi phạm (hầu hết đều tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản).

Nhưng hoạt động giã cào bay ngày càng phức tạp, bất chấp quy định, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng như: đối phó, đe dọa, cản trở không cho tàu kiểm tra tiếp cận, thậm chí bắt giữ lực lượng kiểm tra, đâm va với tàu cá ngư dân khi bà con phản ứng…

Vì vậy, cấm đóng mới tàu cá làm nghề giã cào dưới mọi hình thức từ ngày 20/3 tới là một hành động quyết liệt hơn của chính quyền, nhằm hạn chế phát triển các nghề khai thác hải sản không bền vững, không được khuyến khích. Quy định này cần được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho bà con ngư dân biết, thực hiện, tránh tình trạng không biết nên cứ đầu tư đóng mới tàu lưới kéo, rồi không được cấp phép khai thác dẫn đến thiệt hại.

Mặt khác có biện pháp khuyến khích ngư dân chuyển đổi nghề phù hợp. Đồng thời kiểm soát chặt hoạt động đội tàu giã cào bay các địa phương khác đến Bình Thuận khai thác.

Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao phải cấm đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo?