Theo dõi trên

Vì sao vùng sản xuất 80 ha ở Tân Bình bỗng “đình đám”?

27/11/2019, 09:13 - Lượt đọc: 120

Bài 1:   Sự xuất hiện “bất ngờ” những tuyến đường

BT- Có đến 12 tuyến đường như thế trên đất nông nghiệp bất chấp quy hoạch xã nông thôn mới, kế hoạch sử dụng đất hàng năm… với tổng chiều dài 13.830 m, tức gần 14 km, xẻ ngang trải dọc trên vùng đất rộng đến 80 ha.

                
Một tuyến đường mở trên đất nông nghiệp    vùng 80ha ở Tân Bình.

 Giá đất tăng chóng mặt

Những ngày này, đi trên đường Hùng Vương, thuộc xã Tân Bình (thị xã La Gi) có thể thấy vùng đất bên trong đang có một sự thay đổi. Những con đường mới mở ngang dọc, những cột mốc phân lô thẳng tắp, những lô đất rộng cả sào đã được khoanh rào, có cả nhà mái ngói ba gian kiểu biệt thự vườn, nghỉ dưỡng nhưng bỏ hoang. Có cả những vườn thanh long có dây vừa leo qua đầu trụ, ở vài mảnh đất khác, dân đang tập kết xuống trụ dăm cây… Một vùng đất rất lạ, khi được gói bởi 4 con đường lớn nằm gần như trong nội thị thị xã gồm Nguyễn Thông, Nguyễn Tri Phương, Lê Quang Định và Hùng Vương rộng đến 80 ha, lại đang “giao thoa” giữa sản xuất nông nghiệp và manh nha phát triển du lịch. Nhưng theo những người dân ở La Gi cho biết, thực tế với hàng loạt thửa đất trên 1.000 m2 đã được tách, người mua đất ở đây đang đón đầu khi đất này được quy hoạch thành đất du lịch nghỉ dưỡng. Bởi bên kia đường Hùng Vương là những cồn cát trắng phau tiếp nối ra biển là đất du lịch. Bên ấy có dự án du lịch Sài Gòn - Hàm Tân với diện tích 180 ha được UBND tỉnh chấp thuận từ năm 2004 nhưng đến nay, vẫn chưa triển khai gì. Nhưng nếu hình dung trên thực địa thì vùng đất 80 ha nằm ở bên này đường Hùng Vương, dù đang là đất nông nghiệp nhưng lại quá lý tưởng trong mắt những nhà đầu tư phát triển du lịch nghỉ dưỡng, thể thao. Không phải đến bây giờ, mà từ những năm 2006 - 2008, người dân ở các địa phương khác, nhất là TP.HCM đến đây mua đất nông nghiệp với diện tích lớn nhằm “ăn theo” dự án Sài Gòn - Hàm Tân. Nhưng vì dự án này chậm triển khai nên những nhà đầu cơ đất kia không chờ đợi được, đã bán lại đất cho dân tại Bình Thuận và một số tỉnh, thành khác. Mãi đến gần đây, cụ thể là năm 2017, 2018, đất vùng này “sốt” lại, đẩy giá lên rất cao. Từ chỗ chỉ 150 triệu đồng/ mẫu nhưng ít ai mua, đến năm 2016 - 2017 đã lên mốc 200 triệu đồng/mẫu, nhiều người bán được đất với mức giá trên đã mừng lắm. Nhưng sau đó không lâu, không có ai đủ sức mua cả mẫu đất nữa, vì giá đã lên tiền tỷ, thực tế từng thửa hơn 1.000 m2 đã rao bán với giá từ 600 - 800 triệu đồng, tức 1 mẫu đất có giá từ 6 - 8 tỷ đồng, tăng hàng chục lần so thời điểm trước. Chưa hết, sang năm 2018, bỗng nơi đây tập trung dân ở các tỉnh, thành phía Nam tới mua đất, giá đất tiếp tục tăng và đến nay đã đạt mức 16 - 17 tỷ đồng/mẫu, tức 1,6 - 1,7 tỷ  đồng/thửa 1.000 m2, tăng gấp 3 - 4 lần so năm 2018.  

Những người dân ở đây cho biết chưa thấy vùng đất nào ở thị xã La Gi có giá tăng sốc, dựng ngược như ở đây. Nguyên do khiến vùng đất này hồi sinh, ai cũng biết là vì có sự ra đời “bất ngờ” của những con đường. Có một số con đường mới mở khiến những mảnh đất trước đó ở trong hẻm hóc, giờ bỗng ở vị trí đẹp ra nên có giá cao cũng không có gì bất ngờ. Điều bất ngờ là làm sao có thể tự hiến đất cho Nhà nước rồi lại tự lấy đất đó làm đường đi và chỉ phục vụ lợi ích cho một vài cá nhân có hàng chục lô đất với vị trí mặt tiền nhằm bán được giá trên trời? Và có đến 12 tuyến đường như thế với tổng chiều dài 13.830 m, tức gần 14 km, xẻ ngang trải dọc một vùng đất rộng đến 80 ha. Trong bối cảnh đất ở các thành phố lớn có giá cao ngất ngưởng thì với mức 1 - 2 tỷ đồng mua 1.000 m2 đất nông nghiệp dự trữ ven biển ở đây cũng không có gì là đắt đỏ nên nguồn cung và cầu gặp nhau thuận lợi. Và chỉ trong một thời gian rất ngắn, vùng đất rộng 80 ha này đã bị “băm” nhỏ bằng hàng trăm thửa đất và xuất hiện những cá nhân phất lên từ bán đất nông nghiệp.

 Đua nhau “xẻ đất”

Từ Kết luận số 21 ngày 15/3/2019 của UBND thị xã La Gi về nội dung đơn tố cáo của công dân xã Tân Bình, cho thấy có nhiều người tại thị xã đã thu gom mua lại đất của các cá nhân ở TP.HCM, sau đó tham gia cuộc đua “xẻ đất”, tức hợp thửa, tách thửa, làm đường… với số lượng hàng trăm thửa diễn ra suôn sẻ, không vấp một trở ngại nào. Ví dụ, ở tuyến số 1, hay còn gọi tuyến đường hẻm số 1 Rừng Dầu, vốn là đường mòn đã được mở rộng tôn tạo thêm có điểm đầu là đường Nguyễn Tri Phương, điểm cuối là đường Lê Quang Định với tổng chiều dài khoảng 3.000 m (3 km), bề rộng 6 m, đường đất đỏ, nổi lên có ông C. Người này đã thực hiện hơn chục cuộc nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với diện tích lên gần 100.000 m2. Có miếng, ông chuyển nhượng cho người khác để người này tự tách thửa, bán ra. Có miếng còn giữ nguyên. Chưa hết, trên tuyến đường số 2 dài hơn 1,8 km, nối điểm đầu từ đường Nguyễn Thông đến điểm cuối là đường Hùng Vương, bề rộng mặt đường 6 m, đường đất đỏ; trong đó, có một đoạn khoảng 275 m là đường mòn hiện hữu, cũng bắt gặp người này với cách làm là chừa một phần từ mảnh đất có diện tích 8.790,6 m2 làm đường, sau đó tách thửa. Hay tuyến đường số 3, có điểm đầu là đường Nguyễn Thông, điểm cuối là đường số 1 Rừng Dầu, có chiều dài gần 1,1km là con đường đất đỏ, rộng 6 m cũng do ông C. hiến một ít từ mảnh đất rộng 10.019,5 m2, sau đó tách ra thành 8 thửa. Còn tại các tuyến đường số 2, số 9, ông T. đã nhận chuyển nhượng gần 59.000 m2, đã hiến đất tự làm đường trong đất của mình, sau tách thành 53 thửa và đã chuyển nhượng cho người khác 40 thửa. Tương tự, ông H nhận chuyển nhượng đất rải rác ở một số tuyến đường trên với diện tích 4.500 m2, ông P. nhận chuyển nhượng gần 10.000 m2, bà N. nhận chuyển nhượng… rồi dành một ít đất hiến làm đường, sau đó tách thửa bán.

Cách thức làm giống nhau và lại dồn dập trong quãng thời gian bắt đầu từ cuối năm 2017, nhộn nhịp trong năm 2018 nhưng chính quyền sở tại không hề nghi vấn. Có thể, kiểu làm lách luật này cũng diễn ra ở các nơi khác trong tỉnh như TP. Phan Thiết, Hàm Thuận Bắc… nên các ngành chức năng ở La Gi không chú ý chăng? Do đó, việc làm trên đã sai quy định trên từng công đoạn nhưng đều diễn ra trót lọt. Từ hiến đất, làm đường tự phát, trong đó chỉ có 3 tuyến đường được xây dựng trên đường mòn hiện hữu hoặc nối dài đường mòn cũ ra thêm, cứ tạm cho là hợp quy hoạch, còn lại 9 tuyến đường khác đều tự phát vừa phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, vừa sử dụng đất sai mục đích. Nhưng theo lý lẽ của UBND xã Tân Bình, vì các tuyến đường trên đều do các hộ dân tự bỏ kinh phí, tặng cho đất làm đường, không sử dụng ngân sách nhà nước nên UBND xã không trình HĐND đưa vào nghị quyết của HĐND xã hàng năm. Và vì vậy xã cũng sẵn sàng ký xác nhận trong những lá đơn đề nghị hiến tặng đất làm đường của các cá nhân trên, nhất là các tuyến số 10, 11, 12 tập trung nhiều hộ dân đề nghị hiến đất làm đường để đi, chứ chưa thấy yếu tố tách thửa bán. Trên cơ sở này và căn cứ vào hiện trạng sử dụng đất, Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã La Gi đã đo đạc, chỉnh lý biến động vào hồ sơ địa chính, bất chấp đất đó không phải là đất phi nông nghiệp…

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao vùng sản xuất 80 ha ở Tân Bình bỗng “đình đám”?