Theo dõi trên

Vụ đông xuân 2019 - 2020: Cắt giảm diện tích sản xuất lúa, màu

11/12/2019, 10:49

BT- Trước thực tế thiếu hụt nguồn nước trong mùa khô, ngành nông nghiệp tỉnh đã tính toán, số diện tích cây lúa và cây màu, trước mắt phải điều chỉnh cắt giảm trên 16.000 ha. Tiếp tục bố trí sản xuất nếu trong tháng 12/2019 thời tiết có mưa.

 Giảm diện tích để cân đối nước

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin, tổng lượng mưa từ nay đến cuối năm 2019 ở các khu vực Nam Trung bộ, Nam bộ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 30%. Dòng chảy trên các sông, suối từ tháng 11/2019 đến tháng 4/2020 thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20 - 50%. Riêng Bình Thuận, tổng lượng mưa trong năm 2019 thiếu hụt so với trung bình nhiều năm nên lượng nước trữ tại các hệ thống công trình thủy lợi đang khai thác sử dụng trên địa bàn tỉnh đều thấp hơn dung tích thiết kế. Với thực trạng nguồn nước hiện có và thông tin nhận định tình hình khí tượng, thủy văn, khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước ở mức cao, đặc biệt tại khu vực phía Bắc tỉnh.

Theo lịch thời vụ sản xuất vụ đông xuân, các địa phương sẽ gieo trồng tập trung từ ngày 15/12/2019 đến 15/1/2020. Qua tính toán, cân đối nguồn nước, 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh bảo đảm nguồn nước bố trí sản xuất theo kế hoạch. Riêng các địa phương còn lại cần phải điều chỉnh cắt giảm diện tích sản xuất cho phù hợp với khả năng nguồn nước.

Cụ thể, tổng diện tích cây trồng nông nghiệp vụ đông xuân năm nay được tưới sử dụng nguồn nước thủy lợi, thủy điện là 36.514 ha, gồm lúa, màu 16.723 ha; thanh long, nho 19.791 ha và tổng diện tích cấp nước nuôi trồng thủy sản 442 ha. Trong đó, huyện Tuy Phong 1.389 ha lúa, màu và 544 ha thanh long, nho; Bắc Bình 1.640 ha lúa, màu; 2.935 ha thanh long; Hàm Thuận Bắc 8.784 ha thanh long; Tánh Linh 7.318 ha lúa, màu, Đức Linh 5.925 ha lúa, màu; nuôi trồng thủy sản 412 ha. 

 Ứng phó khan hiếm nước

Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để tập trung ứng phó với điều kiện nguồn nước khan hiếm, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn, lượng dòng chảy trên địa bàn tỉnh để vận hành, điều tiết nước hợp lý. Tận dụng tối đa lưu lượng dòng chảy trên sông, suối, nguồn nước chạy máy phát điện kết hợp cấp nước về hạ du của thủy điện Đại Ninh và Hàm Thuận – Đa Mi trữ vào hồ chứa, ao, bàu, đập dâng, kênh trục chính phục vụ chống hạn. Thành lập tổ chỉ đạo, điều hành phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô tại đơn vị. Mặt khác, xây dựng phương án tổng thể về thực hiện các giải pháp thủy lợi phục vụ phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn giai đoạn từ nay đến cuối mùa khô năm 2020. Kịp thời có biện pháp xử lý đối với các trường hợp không thực hiện nghiêm phương án phòng, chống hạn hán, điều tiết và phân phối nước để thất thoát, lãng phí. Tính toán cân bằng nước, xây dựng lịch cấp nước cụ thể cho từng hệ thống công trình. Riêng các địa phương phổ biến sâu rộng đến nhân dân về điều kiện nguồn nước khan hiếm, tình hình thời tiết bất lợi có khả năng gây hạn hán trên diện rộng để chủ động ứng phó, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích. Chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn như nạo vét kênh mương, lắp đặt các trạm bơm dã chiến, đắp đập tạm trên sông, suối, đào ao để trữ nước, đào, khoan giếng để khai thác nguồn nước ngầm...

    
    Hiện tổng   lượng nước trữ trong các hệ thống công trình thủy lợi trên toàn tỉnh   186,56 triệu m3/258,99 triệu m3 dung tích hữu ích   thiết kế, đạt 72%. Lượng nước trữ tại hồ thủy điện Đại Ninh 100,86 triệu   m3/251,73 triệu m3 dung tích hữu ích thiết kế, đạt   40%, hồ thủy điện Hàm Thuận 505,32 triệu m3/522,50 triệu m3   dung tích hữu ích thiết kế, đạt 96,71%.

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ đông xuân 2019 - 2020: Cắt giảm diện tích sản xuất lúa, màu