Theo dõi trên

Vụ khai thác cao su 2016 - 2017: Điệp khúc hy vọng…

21/02/2017, 08:44 - Lượt đọc: 28

BT - Không chỉ kéo dài thời gian khai thác mủ hơn 10 - 15 ngày so với thời vụ thông thường lâu nay, vụ cạo mủ cao su năm 2016 còn thu hút người trồng quay lại vườn đầu tư chăm sóc với niềm hy vọng được giá cao. Điều đáng nói, qua đó dấy lên nhiều vấn đề mà người trồng cao su cần chú ý…

Hộ trồng cao su và câu chuyện may mắn kép

         

Mùa cạo mủ dài…

Qua tết đã hơn nửa tháng nhưng khí hậu 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh vẫn còn lạnh nên vùng cao su ở đây chưa hoàn toàn bước vào mùa rụng lá. Những hộ có vườn cao su còn lá xanh vẫn đang tiếp tục cạo mủ. Giá mủ cao su đang tăng lên từng ngày, từ ngày 15/2 đến nay, giá mủ nước tính theo hàm lượng TSC% (độ) đã lên 450 đồng/ độ, tính ra 1 kg mủ nước ở vùng nguyên liệu này có giá khoảng 18.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong mùa cạo mủ năm 2016. Thời điểm trước tết, giá mủ nước cũng đã tăng từ 240 đồng/độ lên 390 đồng/độ và sau tết dần dần tăng lên mức trên. Dù lượng mủ cạo cuối vụ thường không nhiều, nhất là cuối vụ được thời tiết ưu đãi như hiện tại nhưng nhờ được giá cao nên mỗi ngày, có hộ thu về từ 1,5 -2 triệu đồng/ha. Những hộ được may mắn kép ấy hầu hết là những người đã đầu tư phân bón, chịu khó chăm sóc vườn cao su đạt chuẩn, bất chấp giá mủ thấp. Như năm 2016, tận dụng những cơn mưa trong tháng 10,11, những hộ này đã bón phân cho cây cao su nên đến giờ, vườn cây vẫn sung sức, chưa rụng lá.

    
    Theo hướng   dẫn của các chuyên gia, cao su là cây có sức đề kháng cao, hạn chế lượng   phân bón đến 50% cũng ít ảnh hưởng lớn đến việc sinh trưởng. Tuy nhiên,   phải chú ý việc làm cỏ trên hàng cao su, bằng cách cày tủ bồn hoặc kiểm   soát cỏ dại bằng thuốc diệt cỏ vào đầu và gần cuối mùa mưa…

Thế là họ cạo được mủ cuối mùa ngon lành, bán được giá cao. Câu chuyện bỏ ra bao nhiêu, thu về bấy nhiêu hay không đầu tư gì thì không được thu khiến nhiều chủ vườn cao su tiểu điền ở 2 huyện thấm thía nhiều trong vụ cạo mủ này. Thực tế cũng có những vườn cạo không ra mủ, phải ngưng cạo 1 - 2 tháng trước tết, dù lúc ấy đang bước vào cao điểm mùa vụ. 

Hậu quả ấy, ai cũng có thể hình dung ra, vì vùng cao su này vừa trải qua khoảng thời gian dài với giá mủ tụt dốc không phanh, có lúc rớt xuống 190 đồng/độ. Đâu phải mủ nào cũng chất lượng, quy ra nhiều độ để tiền được nhiều thêm chút, khi mà trước đó chủ vườn không có điều kiện bón phân đủ chuẩn, chăm sóc vệ sinh cây…Cây không mạnh khỏe, cho ít mủ, chủ vườn không thu đủ tiền trang trải cho đầu tư nên chán nản, bỏ bê ít cạo và cây lại ít mủ. Cái vòng lẩn quẩn ấy thể hiện rất rõ quy luật nguyên nhân và kết quả. Điều đáng lo, tình trạng ấy kéo dài trong 2 - 3 năm qua, tức 2 - 3 vụ thu hoạch và khi vụ 2016 tới, giá mủ cao su lục đục tăng đã khiến nhiều nhà vườn muốn cạo được nhiều mủ, muốn cạo được mủ có chất lượng để bán nhiều tiền đã không thể làm được. Vụ 2016 này, năng suất mủ cao su của các nhà vườn không qua nổi 1,5 tấn/ha, trong khi của Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận là 1,8 tấn/ha.

Thích ứng thị trường

Trước tình hình giá mủ cao su lên cao, dân trồng cao su ở 2 huyện đang phấn khởi. Họ đang chăm sóc cây theo khuyến cáo của cơ quan chức năng là phun thuốc phòng ngừa nấm trên lá, bón phân chuồng cho cây… để vườn cao su sung sức, cho nhiều mủ trong mùa thu hoạch vào cuối năm nay. Theo dự báo, giá cao su sẽ tiếp tục tăng tới tháng 5/2017 do thiếu nguồn cung, nhất là sau khi lũ lụt lớn xảy ra ở Thái Lan, nước sản xuất và xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới. Còn thời gian sau đó thì có nhiều dự báo trái chiều nhau. Theo dự báo của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), bước sang năm 2017, giá cao su thiên nhiên tiếp tục tăng. Lý do, vì giá cao su tổng hợp tăng, thiếu cung cao su thiên nhiên do yếu tố thời tiết và nhu cầu tăng khi kinh tế toàn cầu hồi phục với mức tăng trưởng 3,4%.  Đồng thời cũng nhấn mạnh một số yếu tố cản đà tăng giá mủ cao su, đó là nguồn cung tăng đột biến, giá dầu mỏ có thể giảm trở lại, thay đổi chính sách của Mỹ… Còn nhà phân tích Jiong Gu thuộc Công ty Yutaka Shoji Co. ở Tokyo dự báo sau khi tăng trong những tháng đầu năm 2017, giá cao su sẽ  quay đầu giảm vào tháng 6 - 7/2017.

Thực tế, thị trường mủ cao su hay bất cứ sản phẩm nào khác cũng có lúc tăng, lúc giảm nên với dự báo trên, người trồng cao su có phương án sản xuất riêng, phù hợp với điều kiện gia đình, vườn cây. Và điều quyết định là biết cách tiết giảm chi phí đầu tư, duy trì chế độ cạo mủ ổn định… để giữ vườn cây lâu dài. Đó cũng là bài học kinh nghiệm vừa qua của Công ty TNHH Cao su Bình Thuận.

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ khai thác cao su 2016 - 2017: Điệp khúc hy vọng…