Theo dõi trên

Vui buồn nghề “lái” thanh long

18/03/2018, 09:14

 BTO - Với gần 30 nghìn hec ta, thanh long Bình Thuận hiện dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng; đem lại công ăn việc làm cho hàng vạn nông dân trong tỉnh; góp phần vào thành tích xuất khẩu của tỉnh nhà.

Bên cạnh đó, sản lượng thanh long lớn đã kéo theo nhiều nậu vựa, tạo ra rất nhiều chổ làm cho bà con ở nông thôn (tuyển lựa, vệ sinh, đóng gói, vận chuyển, bốc vác...) cùng với đó, lực lượng lái thanh long cũng phát triển hùng hậu, cạnh tranh nhau quyết liệt để mua nhanh, mua nhiều và tranh thủ xây dựng mối ruột, là các chủ vườn

Được biết, ban đầu lái thanh long cũng chính là chủ nậu vựa. Về sau, sản lượng quả thanh long tăng nhanh, dẫn đến phân công lao động rõ ràng: nậu ra nậu (chỉ thu mua tại chỗ); lái ra lái (mua về bán cho vựa kiếm lời)

 Những tháng vừa qua, giá thanh long Bình Thuận luôn ổn định ở mức cao; những nhà vườn có thanh long đang chín hàng ngày phải tiếp cả chục lượt lái đến coi vườn, ra giá... Chủ vườn không gọi, sao lái biết mà tới? Thì ra, mỗi lái có cả chục, cả trăm công tác viên, là những người làm công cho nhà vườn. Họ biết vườn nào đang vuốt tai, vườn nào sắp bán để thông báo và dẫn đường cho lái “ruột” tới mua. Nếu lái mua được hàng, dĩ nhiên họ được bồi dưỡng vài trăm ngàn, có khi nhiều hơn tiền công làm cả ngày. Cái này nhà vườn gọi vui là “lái cỏ”.

Ngoài lái cỏ còn có dạng lái ít vốn, phải dựa vào vốn của chủ nậu vựa khi tìm được mối mua hàng; nhưng trên nguyên tắc vẫn thực hiện theo cách “lời ăn lỗ chịu”. Dạng này chủ vườn gọi vui là “lái cò”.

 Những người làm lái lâu năm, chủ động tiền vốn hàng tỷ trở lên, gọi là “lái cồ”. Dạng thương lái này giàu kinh nghiệm, được các chủ nậu vựa săn đón vì họ đem về nguồn hàng khá lớn cho vựa; và nếu lơ mơ, ép giá họ sẽ nghỉ chơi, giao hàng cho các vựa khác!

 Nói thương lái ép giá; kỳ thực nhiều lái cũng lỗ xất bất xang bang, lên bờ xuống ruộng, có khi sạt nghiệp vì đánh giá sai tỷ lệ hàng “cồ” (là những trái thanh long nặng 0,5kg trở lên, và đạt các tiêu chuẩn khác).

 Cách đánh giá tỷ lệ hàng “cồ” của thương lái hiện nay hầu hết là phương pháp ước lượng bằng mắt. Chính vì vậy, những người mới vô nghề, ít kinh nghiệm thường đánh giá sai, ra giá cao; khi đem về vựa tuyển lại, không đạt tỷ lệ “cồ” nên lỗ.

 Ai học ngành sinh học, tính toán đều học môn xác suất - thống kê; một môn học khó nhằn. Từ bộ môn này, đã hình thành phương thức điều tra, rút mẫu bằng cách chọn tỷ lệ từ 0,5 đến 1% để kiểm đếm, đánh giá; lấy giá trị trung bình của "mẫu" để suy ra tổng thể với độ tin cậy từ 95-98% (tùy dung lượng mẫu). Nếu các lái thanh long biết ứng dụng phương pháp này vào thực tế mua bán thanh long thì khó mà đánh giá sai tỷ lệ trầm trọng; dẫn đến thua lỗ lớn!

Võ Đình Tiến



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vui buồn nghề “lái” thanh long