Theo dõi trên

Vượt “bão Covid-19”, giữ vững thế mạnh kinh tế thủy sản

06/04/2020, 09:15 - Lượt đọc: 24

BT- Cơn “bão Covid-19” càn quét toàn cầu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực kinh tế. Kinh tế thủy sản cũng không ngoại lệ. Song với tiềm năng rất lớn và với tất cả sự quyết tâm, Bình Thuận sẽ giữ vững thế mạnh kinh tế thủy sản trong thời gian tới.  

                
         Chế biến thủy sản xuất khấu tại Công ty TNHH Hải Nam - Bình Thuận

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Bình Thuận xác định phải giữ vững thế mạnh của kinh tế thủy sản để đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm lớn về khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, công nghiệp nuôi trồng, chế biến, công nghiệp sản xuất thủy, hải sản của khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ.  

Những bước đi hợp lý…

Bình Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, có diện tích tự nhiên 7.944 km2; 10 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có huyện đảo Phú Quý cách đất liền 56 hải lý. Với bờ biển dài 192 km, vùng lãnh hải rộng hơn 52.000 km2, Bình Thuận có ngư trường thuận lợi, giàu nguồn lợi thủy sản, do đó, lĩnh vực kinh tế thủy sản là thế mạnh và luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế của cả tỉnh. Với lợi thế sẵn có của mình, Bình Thuận luôn tập trung nâng cao hiệu quả khai thác, nuôi trồng, gắn với chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm; phát triển khai thác xa bờ có tổ chức gắn với hậu cần dịch vụ, kiểm soát chặt chẽ hoạt động tuyến bờ và tuyến lộng. Hàng năm, việc đầu tư đóng mới tàu cá tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao công suất, gắn với giảm tàu thuyền công suất nhỏ; năng lực tàu cá tăng nhanh, nhất là tàu có công suất trên 90 CV, tàu có chiều dài từ 15 m trở lên, cho thấy xu hướng chuyển đổi cơ cấu thuyền nghề vươn ra khai thác vùng khơi tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tăng cường gắn với xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm và các hành vi gây xung đột, tranh chấp trong hoạt động sản xuất trên biển, nhất là tàu giã cào bay sai tuyến. Công tác tổ chức sản xuất trong khai thác thủy sản theo hình thức tổ đội sản xuất tiếp tục được quan tâm; các hình thức hợp tác đã có tác động tích cực hỗ trợ nhau trong sản xuất, thông tin ngư trường, cứu hộ, cứu nạn trên biển, góp phần đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời tham gia bảo vệ ngư trường an ninh trên biển. Các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ tiếp tục được quan tâm thực hiện và phát huy hiệu quả, góp phần đẩy mạnh phát triển năng lực tàu thuyền công suất lớn trên địa bàn tỉnh. Trước cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Bình Thuận đã có những giải pháp cụ thể để khắc phục, đã rà soát, đưa ra khỏi danh sách được hưởng hỗ trợ đối với những tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài hoặc có hành vi gian dối trong việc làm hồ sơ hỗ trợ theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với hoạt động khai thác, dịch vụ thủy sản của tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển; nuôi trồng thủy sản của tỉnh phát triển theo hướng thâm canh, công nghiệp, đa dạng hóa loài nuôi gắn với bảo vệ môi trường; nghề nuôi tôm thịt, sản xuất tôm giống từng bước khẳng định vị thế nghề sản xuất tôm giống của tỉnh trong cả nước và vùng nuôi trọng điểm Nam bộ. Chế biến thủy sản hoạt động ổn định với hàng trăm cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản tươi, đông lạnh và sản xuất, kinh doanh nước mắm. Các doanh nghiệp chú trọng đầu tư cơ giới hóa, hiện đại hóa các trang thiết bị sản xuất, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có giá trị cao; nghề sản xuất nước mắm truyền thống phát triển ổn định; hầu hết các doanh nghiệp chế biến đều được chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đều được chứng nhận và áp dụng chương trình quản lý chất lượng HACCP, tiêu chuẩn BRC, Halal... 

Phát huy tiềm năng, giữ vững thế mạnh…

Phát huy thế mạnh vốn có, trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực thủy sản; đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thủy sản 2017; tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU); nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ, tập trung khai thác các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ tốt; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bảo quản trong và sau thu hoạch; củng cố, kiện toàn và hỗ trợ tích cực các tổ đoàn kết khai thác vùng biển xa gắn với dịch vụ hậu cần, chế biến trên biển; hướng dẫn ngư dân về ngư trường khai thác kết hợp với  bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo. Tổ chức quản lý chặt chẽ các thuyền hành nghề giã cào bay, tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ ngư dân của Chính phủ. Tập trung phát triển nuôi các loại thủy sản có lợi thế, hiệu quả; tăng cường đầu tư thâm canh, áp dụng công nghệ mới, quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) để nâng cao năng suất, chất lượng các loài nuôi chủ lực như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, các loài cá, đặc sản biển ở các vùng ven biển và đảo Phú Quý; chú ý nhân rộng mô hình nuôi cá nước ngọt có hiệu quả; hình  thành  vùng  sản  xuất  giống  thủy  sản tập trung  công nghệ  cao, tăng  cường quản lý chất lượng tôm giống sạch bệnh, giữ vững uy tín tôm giống Bình Thuận trên thị trường. Tổ chức quản lý, phát huy các công trình cảng, bến cá đã đầu tư, thu hút tàu thuyền trong và ngoài tỉnh tập kết tiêu thụ, tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và chế biến nước mắm. Theo dõi, chú ý tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản để duy trì, gia tăng khối lượng sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu; duy trì, phát triển nghề chế biến nước mắm truyền thống đảm bảo chất lượng…

Chỉ tiêu kế hoạch 2020 mà ngành nông nghiệp đặt ra cho kinh tế thủy sản là khai thác hải sản  đạt 215.000 tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 14.500 tấn, sản xuất và tiêu thụ tôm giống đạt 24,5 tỷ post; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 155 triệu USD… có thể sẽ không đạt được bởi ảnh hưởng từ “cơn bão” dịch Covid-19. Song hệ thống chỉ tiêu đó khẳng định tiềm năng kinh tế thủy sản của Bình Thuận là rất lớn. Nếu chúng ta quyết tâm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế thủy sản, không những Bình Thuận sẽ giữ vững được thế mạnh của kinh tế thủy sản, mà còn đạt được mục tiêu đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm lớn về khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, công nghiệp nuôi trồng, chế biến, công nghiệp sản xuất thủy, hải sản của khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ trong thời gian tới.

Huy Toàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vượt “bão Covid-19”, giữ vững thế mạnh kinh tế thủy sản