Theo dõi trên

Vượt ngưỡng

03/06/2019, 09:36 - Lượt đọc: 12

Bài 2: 4 cơ sở “khuynh đảo” thành phố

Bài 3: Xóa ngành nghề sản xuất bột cá?

BT- Ngay cả 4 năm trước, tỉnh cũng đã có kế hoạch lộ trình di dời các cơ sở này đi nơi khác thông qua Công văn 1523/UBND-KTN ngày 19/5/2015 đã không thể thực hiện được. Vì thế, hiện tại việc di dời đó lại càng không thể...

                
   Một dự án khu dân cư đang hình thành đối    diện khu chế biến hải sản Phú Hài.

 Mâu thuẫn trên bờ

Sớm tinh mơ. Sông Phú Hài còn bảng lảng sương mù nhưng bến sông, nằm sát đường Nguyễn Thông đã có nhiều ghe thuyền cập bến. Nơi đây cách khu chế biến hải sản Phú Hài chỉ khoảng 100m nên từ lúc hình thành đến nay, mặc nhiên thu hút các ghe thuyền có sản phẩm nào phù hợp với các cơ sở sản xuất nơi đó là ghé vào, xuống hàng để thuận đường vận chuyển. Vì thế, ngoài các ghe thuyền chuyên đánh bắt cá cơm để các cơ sở sản xuất nước mắm mua chượp, còn có nhiều ghe thuyền giã cào bay, cung cấp lượng cá tạp cho 4 cơ sở sản xuất bột cá. Những ngày qua, đánh bắt trên biển không thuận, cá không nhiều, ngay cả những ghe thuyền nhỏ làm nghề lưới kéo đôi mà ngư dân thường gọi là giã cào bay vốn cào hết những gì có trên biển khi thuyền đi qua nhưng cũng ít cá tạp. “Thời gian này đang mùa sinh trưởng của các loài hải sản nên tỉnh cấm các tàu có công suất trên 150CV ra biển. Phải đến hết ngày 31/7 thì mới hoạt động được, còn thuyền tui có công suất không lớn nên vẫn ra biển nhưng cũng đâu thu được bao nhiêu, chỉ kiếm cơm qua ngày. Cá tươi như này nhưng do nhỏ, lẫn tạp đủ loại, các cơ sở thu mua lại hay so với giá cá tạp ương thối mua từ nơi khác dzề nên bán không được bao nhiêu.”- một ngư dân sở hữu thuyền giã cào bay nhỏ trong lúc chờ xe chở đã tâm sự như thế. Sao anh không chuyển đổi nghề để đánh bắt được cá lớn hơn, bán được nhiều tiền hơn? Tôi hỏi. Như khơi đúng nỗi niềm, anh vừa nói vừa rít thuốc liên tục. “Nhà tui muốn chuyển đổi nghề lắm nhưng kẹt chưa đủ vốn, vì đây là nghề nhà nước không khuyến khích mà, do tính chất cào hết những các loại hải sản tôm, cua, cá, mực lớn nhỏ. Chính quyền cấm lắm, vì kiểu đánh bắt này làm suy giảm nguồn lợi thủy sản ven bờ nghiêm trọng. Biết vậy nhưng lâu nay vẫn làm nghề này. Mà thực ra là có chỗ thu mua nên chúng tôi cứ đánh bắt thôi”.

Suy nghĩ của anh ngư dân này gợi lên một mâu thuẫn đang tồn tại liên quan đến nhu cầu mua bán cá tạp, nguyên liệu để sản xuất ra bột cá. Cách đây 4 năm, UBND tỉnh ra Quy định 61/2015 nhằm hạn chế sự phát triển của nghề lưới kéo này thông qua 3 hình thức. Thứ nhất, cấm hoạt động từ ngày 1/4 - 31/7 hàng năm để các loài hải sản kịp sinh trưởng. Thứ hai, cấm đóng mới phát triển tàu cá làm nghề lưới kéo. Thứ ba, không cho phép tàu cá đang hoạt động nghề khác chuyển sang nghề lưới kéo cũng như không cấp mới giấy phép khai thác thủy sản nghề lưới kéo. Sau một thời gian, thấy tình hình giảm đánh bắt giã cào chưa hiệu quả mấy, UBND tỉnh lại ban hành Quyết định số 17/2018 về sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định số 61/2015. Theo đó, từ ngày 20/3/2018, tỉnh không cho phép đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo dưới mọi hình thức (bao gồm cả nghề lưới kéo đơn và nghề lưới kéo đôi), kể cả khi tàu giải bản, bị hư hỏng, mục nát hoặc bị tai nạn. Song song đó, nhấn mạnh xử lý vi phạm theo Nghị định số 103/2013 và Nghị định 41/2017 của Chính phủ.

Thế nhưng, nơi tiêu thụ sản phẩm của tàu thuyền làm nghề lưới kéo là các cơ sở sản xuất bột cá tại khu chế biến hải sản Phú Hài lại không bị khống chế gì. Tình hình càng phức tạp hơn, khi Bình Thuận có động thái siết chặt bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ bằng các biện pháp trên thì các cơ sở này phải mua nguyên liệu từ các tỉnh khác để hoạt động. Mà cá tươi, vận chuyển xa thì phải ương thối, nước chảy ray rắt trên đường, kéo theo ruồi nhặng về nơi tập kết, làm ô nhiễm thêm môi trường sống ở đây. Một thực tế mâu thuẫn dưới biển, tỉnh nỗ lực giải quyết lâu nay nhưng mâu thuẫn trên bờ này xuất hiện cũng từ lâu nhưng lại chưa được chú ý. 

Đốt củi ở phố

Để tạo ra sản phẩm bột cá, phải qua các bước cần đến lửa như nhúng cá trong nước sôi… nên các cơ sở sản xuất trên dự trữ củi rất nhiều để đốt lò. Hình ảnh những đống củi chất đống ở các cơ sở này chỉ cách đường Nguyễn Thông, tuyến đường du lịch xôm tụ, huyết mạch của TP. Phan Thiết mới cảm nhận sự trái ngược không hiểu nổi. Vì  sao vùng Đức Linh, Tánh Linh với làng nghề gạch ngói đã đốt lò bằng củi từ bao lâu nay nhưng mấy năm trước, chính quyền phải vận động các cơ sở chuyển đổi sang sản xuất gạch hoffman hoặc gạch không nung để không sử dụng củi nữa? Ai cũng hiểu, ở vùng nông thôn, các cơ sở nằm xa khu dân cư, đất lại rộng, đốt lò bằng củi không ảnh hưởng gì mấy đến ô nhiễm môi trường sống, dù biết chính khói đốt đó là tác nhân gây hiệu ứng nhà kính. Vấn đề chính ở chỗ là e ngại sẽ không ngăn chặn được nạn phá rừng, vì thực tế diễn ra cái gì mở rộng, khuếch trương thì đều phải có đầu ra, nơi tiêu thụ. Và Đức Linh, Tánh Linh đã thành công, đã chấm dứt nạn đốt lò bằng củi. Thế nhưng, vì sao trong thành phố xếp loại đô thị loại 2 như Phan Thiết này lại còn cảnh đốt củi? Đã vậy, cảnh đốt củi ấy lại hiện diện khi quy hoạch phát triển đô thị phía Bắc kênh thoát lũ rộng 850 ha với một số khu dân cư cao cấp đã và sẽ hình thành trong 1-2 năm sau.

Có thể hiểu, thời gian trước, khi Phan Thiết chưa phát triển, việc sắp xếp ngành nghề sản xuất bột cá vào khu chế biến hải sản Phú Hài là có chút gì phù hợp nhưng ngay cả 4 năm trước, tỉnh cũng đã có kế hoạch lộ trình di dời các cơ sở này đi nơi khác thông quacông văn 1523/UBND-KTN ngày 19/5/2015 đã không thể thực hiện được. Vì thế, hiện tại việc di dời đó lại càng không thể. Lý giải của các cơ quan chức năng, cho thấy theo quy hoạch sử dụng đất của thành phố đến năm 2020 không còn vị trí phù hợp để bố trí ngành nghề sản xuất bột cá. Các xã vùng ven xa khu dân cư như Tiến Thành, Thiện Nghiệp cũng không thể bố trí ngành nghề này do ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển du lịch và sân bay Phan Thiết, đồng thời xa nguồn nguyên liệu. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có Khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 2 còn quỹ đất để di dời, nhưng quy hoạch ngành nghề thu hút đầu tư không có ngành nghề chế biến thủy sản. Mặt khác, cũng không thể kiến nghị bổ sung vì loại hình hoạt động này phát sinh mùi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh đối với các xã Phong Nẫm, thành phố Phan Thiết và xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc.

Hoàn cảnh này đặt 4 cơ sở chế biến bột cá có công suất khoảng  5 – 30 tấn nguyên liệu/ngày này phải lựa chọn hướng đi mới, phù hợp, tránh thiệt hại nhiều. Dù khó khăn nhưng đó là điều phải làm, vì không thể tiếp tục ngành nghề sản xuất mà bao năm qua, ngay chính doanh nghiệp cũng khốn đốn giữa lời và lỗ; khốn đốn giữa bao phản ứng của dân, bao cuộc kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng, ảnh hưởng đến đạo đức kinh doanh. Mà một khi đến thời điểm có bằng chứng gây ô nhiễm môi trường thì việc dừng hoạt động sẽ không tránh khỏi. Vì vậy, nếu thời gian qua, các cơ sở đã vượt ngưỡng trong gây hại môi trường thì bây giờ, cũng cần vượt khó để tìm ngưỡng phát triển của doanh nghiệp hướng đến “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Phóng sự điều tra:BÍCH NGHỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vượt ngưỡng