Theo dõi trên

Xăng E5 RON 92 kéo giá mì tăng?

22/09/2017, 08:45

BT- Cồn E 100 được sản xuất từ bắp, mía đường, sắn, các loại rơm rạ và cây hữu cơ khác nên đầu năm 2018, xăng E5 RON 92 chính thức được bán đã kích thích giá nông sản trong tỉnh tăng.

                
Nông dân đang thu hoạch mì.

Thông tin xăng khoáng RON 92 sẽ chính thức ngừng bán vào đầu năm 2018, thay vào đó sẽ bán xăng E5 RON 92, khiến những vấn đề liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh này sôi động hẳn lên. Trước hết, qua báo chí, người ta thấy các nhà máy sản xuất nguyên liệu chế biến xăng sinh học như: Tùng Lâm, Dung Quất, Bình Phước… loan thông tin khởi sắc với đơn vị chuẩn bị mở rộng sản xuất, nhà máy sửa soạn hoạt động trở lại sau một thời gian đóng cửa, vì nhiều lý do. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu mối như: Petrolimex, PVOil… cũng đang tăng cường các hệ thống phối trộn nhiên liệu sinh học, tức phối trộn giữa 95% xăng khoáng thông thường (A92) với 5% nhiên liệu sinh học là Ethanol (Cồn E100) ra xăng E5 RON 92 cho các cửa hàng bán lẻ. Rồi các tổng công ty xăng dầu cũng đã đốc thúc các công ty thành viên, đại lý… chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất để sẵn sàng tiến hành bán xăng E5 RON 92 từ đầu năm sau.

Tưởng không liên quan nhưng thực tế theo phản ứng dây chuyền đó, tại các vùng nông thôn của Bình Thuận, giá các loại nông sản cũng nhích tăng so năm trước, rõ nhất là mì. Nguyên nhân chỉ là cồn E 100 được sản xuất từ bắp, mía đường, sắn, các loại rơm rạ và cây hữu cơ khác... Tại Việt Nam, nơi có diện tích trồng mì nhiều nên các nhà máy sản xuất nguyên liệu chế biến xăng sinh học chọn mì để chế biến ra cồn E100. Tại những huyện có diện tích mì lớn như: Hàm Tân, Bắc Bình…dù có sự trồi sụt theo giá thị trường từng giai đoạn nhưng hiện tại đang có những yếu tố cho dự báo rõ hơn rằng diện tích cây trồng này sẽ tăng trong thời gian tới. Cụ thể, tại huyện Hàm Tân, giá mì đã lên 1.200 đồng/kg tươi, dân tự nhổ bán, trong khi năm ngoái giá chỉ 800 đồng/kg tươi. Diện tích mì hiện tại ở đây gần 11.000 ha, thấp hơn nhiều so thời điểm đỉnh cao nhất khoảng 30.000 - 40.000 ha, lúc ấy cây mì giúp dân ở đây thu được khoản tiền lớn trong 1 - 2 vụ sản xuất. Tuy nhiên, nếu sắp tới giá mì tăng, diện tích mì cũng sẽ tăng cao, vì nơi đây còn nhiều vùng chưa có nước sản xuất, phù hợp cây mì thì cần xới lên vấn đề cải tạo đất.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hàm Tân, thời gian qua, do giá mì xuống nên người dân chuyển nhiều diện tích sang trồng rừng, trồng thanh long. Lúc cao điểm người dân đổ xô trồng mì, các cơ quan cũng đã khuyến cáo người dân nên chú ý vấn đề luân canh cây trồng, để đất không bị thoái hóa. Vì thế, nếu sắp tới giá mì tăng, người dân trồng lại thì cũng theo hướng đã khuyến cáo là không tăng nóng diện tích mì, luân canh cây trồng trên một diện tích đất để vừa bảo đảm độ phì cho đất vừa tránh rủi ro của giá thị trường.

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xăng E5 RON 92 kéo giá mì tăng?