Theo dõi trên

Xây dựng Bình Thuận trở thành tỉnh công nghiệp - dịch vụ hiện đại

19/04/2017, 08:17 - Lượt đọc: 6

BT- Trước thềm năm mới 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Về quan điểm phát triển, địa phương sẽ huy động cao nhất các nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, đồng thời xây dựng Bình Thuận trở thành tỉnh công nghiệp - dịch vụ theo hướng hiện đại…

                
Nhiều dự án sản xuất điện quy mô lớn được    triển khai trên địa bàn Bình Thuận.

Theo quyết định này, mục tiêu đề ra đối với địa phương là “Khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế, chủ động hội nhập, phát triển kinh tế biển, du lịch, năng lượng. Xây dựng và phát triển Bình Thuận đến năm 2030 căn bản trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung xây dựng 3 trung tâm mang tầm quốc gia: trung tâm năng lượng, trung tâm du lịch - thể thao biển, trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan; có đủ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, đồng bộ, liên thông với cả nước…”. Song song đó còn phấn đấu nâng thu nhập của người dân không thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, cụ thể GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.100 - 3.200 USD, đến năm 2030 đạt 8.200 - 8.500 USD.

Để hướng đến mục tiêu trên, Bình Thuận tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp khắp nơi triển khai nhiều dự án trọng điểm nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế mà tỉnh đang sở hữu. Tuy nhiên để phát triển kinh tế nhanh, bền vững mà không gây tổn hại cho môi trường sinh thái thì việc ứng dụng công nghệ cao theo hướng “xanh” và “thông minh” là điều tất yếu. Chính vì vậy, Hội nghị xúc tiến đầu tư Bình Thuận 2017 được xác định là cơ hội tốt để địa phương quảng bá thế mạnh, thu hút nguồn lực lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Như lĩnh vực công nghiệp hiện có khá nhiều sản phẩm lợi thế nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, doanh nghiệp như sản xuất điện, may mặc, thủy sản chế biến xuất khẩu, nước khoáng, thức ăn gia súc, vật liệu xây dựng… Đặc biệt về nguồn khoáng sản tại Bình Thuận rất đa dạng, ngoài titan (chiếm 92% tổng trữ lượng tài nguyên quặng titan Việt Nam) thì còn có gần 100 mỏ các loại: vàng, thiếc, vonfram, saphia, thạch anh, chì, kẽm, sét bentonite…

Tận dụng tiềm năng và điều kiện thuận lợi, đến nay Bình Thuận đã định hướng và từng bước hình thành trung tâm năng lượng quốc gia từ hàng loạt dự án đầu tư nhà máy thủy điện - nhiệt điện - điện gió - điện mặt trời. Riêng với ngành “công nghiệp không khói”, Tỉnh ủy cũng vừa ban hành Nghị quyết số 09 về phát triển du lịch Bình Thuận đến năm 2020 với quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó có đề ra chỉ tiêu cụ thể: Thu hút 7.000.000 lượt khách (khoảng 6.150.000 lượt khách nội địa, 850.000 lượt khách quốc tế), duy trì tăng trưởng bình quân khách nội địa từ 10 - 12%/năm và khách quốc tế là 12 - 14%/năm. 

Cũng hướng đến xây dựng Bình Thuận trở thành tỉnh công nghiệp - dịch vụ hiện đại, tại hội nghị lần này địa phương sẽ tập trung giới thiệu danh mục hơn 40 dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn. Tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, chế biến sâu titan, xây dựng trung tâm nhiệt điện khí Sơn Mỹ (công suất 4.000 MW), các tổ hợp du lịch - dịch vụ - vui chơi giải trí cao cấp, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp…

QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng Bình Thuận trở thành tỉnh công nghiệp - dịch vụ hiện đại