Theo dõi trên

Xây dựng chuỗi cung ứng nước mắm an toàn

24/05/2017, 08:37

BT- Đến Phan Thiết ngoài những địa danh, thắng cảnh du lịch, còn nổi tiếng với các sản vật địa phương. Nước mắm Phan Thiết không thua kém bất cứ nơi nào trên dải đất miền Trung. Nhưng từ trước đến nay, người làm nước mắm ở Phan Thiết chủ yếu làm thủ công và xuất bán thô cho các địa phương, doanh nghiệp chế biến. Do quy mô nhỏ, nên ít nhiều ưu thế dần mất đi.

 Đến hôm nay, nước mắm Phan Thiết khi đã nhìn nhận vấn đề trong phát triển và đã vào guồng máy cơ chế thị trường bắt đầu xây dựng chuỗi nước mắm sạch, an toàn. Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản, mô hình chuỗi cung ứng nước mắm an toàn đang được quan tâm và trở thành mô hình kinh tế cho dòng sản phẩm đăc trưng này. Bình Thuận hiện có 32 doanh nghiệp và 65 hộ kinh doanh chế biến nước mắm, ngoài ra còn có hơn 100 cơ sở nhỏ lẻ khác với tổng sản lượng bình quân khoảng 36 triệu lít/năm. Cơ sở sản xuất nước mắm tập trung nhiều nhất là tại các phường Phú Hài, Hàm Tiến (TP. Phan Thiết) và thị xã La Gi…

Như đã nói, phần lớn cơ sở chế biến nước mắm trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ và sản xuất thủ công; chất lượng nguồn nguyên liệu chưa được kiểm soát chặt chẽ; công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chưa được quan tâm… Do đó, sản phẩm nước mắm của tỉnh có nguy cơ giảm chất lượng và tính cạnh tranh trên thị trường. Từ năm 2014, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản đã triển khai xây dựng chuỗi cung ứng nước mắm an toàn đầu tiên với sản lượng 300.000 lít/năm.

Ông Lê Đức Minh - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, cho biết: “Chuỗi cung ứng nước mắm an toàn là việc liên kết kiểm soát tất cả các khâu từ sản xuất ban đầu đến tiêu thụ sản phẩm như: công đoạn khai thác, đánh bắt, thu gom, vận chuyển, chế biến, đóng gói và phân phối tiêu thụ. Việc thực hiện tổ chức liên kết, cam kết trách nhiệm và kiểm soát chất lượng tại các công đoạn trong quá trình sản xuất chuỗi giúp các cơ sở được hướng dẫn, làm quen và áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo kiểm soát mối nguy an toàn thực phẩm toàn bộ chuỗi (HACCP)”.  Việc xây dựng chuỗi cung ứng nước mắm an toàn giúp hạn chế tối đa sản phẩm kém chất lượng, tình trạng an toàn thực phẩm được kiểm soát, các cơ sở tham gia chuỗi mang lại hiệu quả kinh tế cao, quảng bá sản phẩm, góp phần quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ. “Bên cạnh đó, thông qua lô gô nhận diện “Sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn”, giúp người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm đã kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi với sản phẩm khác để lựa chọn sản phẩm” - ông Minh nói thêm.

Hiện tại, toàn tỉnh đã xây dựng được 3 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đối với nước mắm. Sản lượng nước mắm và nước chấm có nguồn gốc được kiểm soát đạt 5,7 triệu lít/năm, chiếm gần 16% tổng sản lượng nước mắm hàng năm của tỉnh. Hiện có 32 tàu cá, 1 cơ sở cung cấp muối, 5 cơ sở chế biến cung cấp nguyên liệu, đóng gói và 4 cơ sở kinh doanh, tiêu thụ tham gia vào các chuỗi cung ứng nước mắm an toàn.

Tuy nhiên, trong quá trình tham gia chuỗi, nhiều cơ sở sản xuất còn mang tính đối phó, liên kết giữa các cơ sở chưa mang tính bền vững, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại chuỗi sản phẩm an toàn còn nhiều hạn chế… Để đạt được mục tiêu đến năm 2020, có ít nhất 50% sản phẩm thực phẩm chủ lực của tỉnh được kiểm soát theo chuỗi, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản tích cực tham gia mô hình chuỗi, tuyên truyền phổ biến các quy định về chất lượng an toàn thực phẩm…

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng chuỗi cung ứng nước mắm an toàn